(028)3.825.8857

Nuôi cút thương phẩm áp dụng công nghệ cao

22-08-2022

Cùng với sự phát triển chung của nông nghiệp, việc nuôi chim cút cũng có nhiều bước phát triển quan trọng về chất lượng con giống cũng như quy trình chăn nuôi. Tuy nhiên, do chỉ mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nên chất lượng vẫn chưa theo kịp với mặt bằng chung của thế giới. Vì thế, việc thực hiện và phổ cập đến người dân các nghiên cứu cải thiện chất lượng con giống cũng như quy trình chăn nuôi phải được tiến hành nhiều hơn nữa.

Trên thế giới, so với các loài vật nuôi khác, chim cút là loài vật nuôi được thuần hóa khá trễ. Chúng được thuần hóa đầu tiên từ thế kỷ XI tại Nhật. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XX, chúng mới được nuôi để sản xuất thịt và trứng. Chim cút ở Việt Nam cũng vậy. Các giống cút đầu tiên được du nhập vào nước ta là từ những năm 70 của thế kỷ trước. Gần 20 năm sau, cùng với quá trình mở cửa, phong trào nuôi chim cút mới phát triển mạnh. Tuy nhiên, do xuất hiện tương đối trễ hơn các loài khác nên quy mô và kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nuôi chim cút gần như chưa phát triển, số lượng các hộ nuôi còn ít và quy mô chỉ ở mức hộ gia đình. Ngoài ra, nuôi chim cút không đòi hỏi nhiều diện tích chuồng nuôi, chi phí thức ăn không lớn nên hiệu kinh tế đem lại khá cao. Đồng thời, với giá thành hợp lý, nhu cầu tiêu thụ chim cút ngày càng tăng nuôi chim cút có tiềm năng rất lớn tại địa phương.

Chim cút là loài chim nhỏ, mập mạp, bắt nguồn ở châu Á, sống trên đất liền ở những vùng có khí hậu ấm áp, ăn hạt, nhưng cũng ăn được cả sâu bọ và các con mồi nhỏ, làm tổ trên mặt đất. Tuy thị giác rất phát triển, có khả năng nhận biết và chon lọc thức ăn cao, nhưng vị giác và khứu giác kém phát triển nên khó nhận biết mùi vị thức ăn. Vì vậy cút rất dễ bị ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn ôi mốc. Cút đã được thuần hóa nhưng vẫn sợ tiếng động, tiếng ồn, thường bay lên và va đầu vào thành chuồng chết. Ngoài ra, người nuôi phải chú trọng phòng chống bệnh tiêu chảy, giúp chim đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng. Cần tiêm phòng vaccine và các loại thuốc phòng chống dịch bệnh; xây chuồng trại thông thoáng, vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Thịt chim cút gần giống thịt gà nhưng tốt hơn, có hàm lượng protein cao, chất béo thấp (khi bỏ da, chất béo giảm 60-80% so với gà). Trong thành phần lipid, tỉ lệ acid béo không bão hòa cao. Ngoài ra, thịt cút còn giàu khoáng chất, nhất là phospho, sắt, đồng, kẽm, và selenium. Hàm lượng vitamin niacin (vitamin B3) và pyridoxine (vitamin B6) trong thịt chim cút cao hơn đáng kể so với thịt gà. Trên thế giới, hiện có nhiều giống chim cút được nuôi với số lượng lớn trong các trang trại để sản xuất thịt và trứng, chủ yếu trong số chúng là chim cút Nhật Bản, Coturnix japonica.

Máng ăn cho chim cút thịt

Đối với quy trình kỹ thuật nuôi chim cút thương phẩm, việc đầu tiên cần lưu ý là quy trình vệ sinh. Khu vực xung quanh chuồng cần được thường xuyên cắt cỏ, phát quang trong khoảng cách tối thiểu là 4 m. Quét dọn vệ sinh hàng ngày. Định kỳ mỗi tuần một lần vệ sinh tiêu độc xung quanh chuồng nuôi bằng một trong các loại hoá chất sau: formol 2 - 3%, xút (NaOH) nồng độ 2 - 3% với liều lượng 0, 65 - 1 lít/m2. Có thể dùng các loại hoá chất khác như chloramin, prophyl, virkon, biocid, farm fluid, longlefe … theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Định kỳ mỗi tháng 2 lần tổ chức diệt chuột, phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng. Sau khi kết thúc mỗi đợt nuôi (xuất chuồng) cần đưa toàn bộ trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi ra ngoài. Đưa toàn bộ lớp độn chuồng cũ ra ngoài. Quét dọn và rửa sạch sẽ trần, tường, lưới, nền, nạo vét cống rãnh thoát nước. Để khô ráo, tiến hành sửa chữa những phần hư hỏng (nếu có)… Trước khi tiếp tục đợt nuôi mới, chuồng trại cũng cần được quét vôi nền, sàn, tường và khu vực xung quanh chuồng nuôi bằng dung dịch nước vôi 20%. Phun dung dịch formol hoặc xút (NaOH) nồng độ 2 - 3% với liều 0,65 - 1lít/ m2 (có thể sử dụng các loại hoá chất khác như chloramin, prophyl, virkon, biocid, farm fluid, longlefe… theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Xông hơi formaldehyt (6,5g thuốc tím + 13ml formol cho 1m2 nền chuồng) hoặc phun thuốc sát trùng Virkon trước khi nhập chim…

Trong quá trình chăn nuôi, chuồng trại cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, mỗi tuần phun xịt thuốc khử trùng 2 lần, thu gom phân cút 3 lần/tuần. Đặc biệt chú ý vệ sinh máng ăn, máng uống thường xuyên. Trước khi cho chim cút ăn, hàng ngày máng ăn phải được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo nhằm giảm độ ẩm, bẩn dễ mắc bệnh, đặc biệt bệnh về đường tiêu hoá. Với chim cút thường nuôi với số lượng lớn nên khâu vệ sinh máng ăn là rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của chim cút, hệ thống máng ăn phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, kịp thời xử lý những sự cố về máng ăn. Đồng thời trong hướng phát triển hiện đại hoá chăn nuôi khuyến khích nên sử dụng hệ thống máng ăn tự động để tránh những stress không đáng có xảy ra trong quá trình chăn nuôi. Hàng ngày nên rửa máng uống để tránh cho chim uống nước bẩn, đã lên men do cặn thức ăn đọng lại trong máng.

Chất độn chuồng

Để phòng chống dịch bệnh, chuồng trại cần có hàng rào hoặc tường kín bao quanh cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại làm lây lan dịch bệnh và chim sợ hãi nhảy lên có thể dẫn đến bể đầu. Trước cổng có hố khử trùng ở lối ra vào chuồng nuôi và phương tiện khử trùng, tiêu độc, có biển báo một số điều cấm hoặc han chế đối với khách ra vào trại. Có đồ bảo hộ lao động, khử trùng, tiêu độc trước khi vào khu chăn nuôi. Cống rãnh thoát nước thải phải có độ dốc thích hợp khoảng 3-5%, không bị ứ đọng nước. Cơ sở chăn nuôi phải có quy trình vệ sinh tiêu độc hàng ngày và định kỳ đối với dụng cụ, chuồng trại chăn nuôi. Chim mới nhập về phải nuôi cách ly để tiến hành theo dõi kiểm tra nghiêm ngặt, lấy mẫu kiểm tra các gia cầm chết, ốm (nếu có), gửi đến phòng thí nghiệm thú y hoặc báo với cơ quan thú y để xác định điều tra nguyên nhân. Chất độn chuồng phải được chuyển ra khỏi chuồng ngay sau khi gia cầm được chuyển ra khỏi chuồng, sau đó làm sạch, tẩy uế, khử trùng và để trống chuồng thời gian ít nhất 15 ngày trước khi nuôi gia cầm mới. Cần có khu xử lý chất thải: Rãnh thu gom nước thải chăn nuôi (nếu có): độ dốc rãnh thu gom nước thải khoảng 3-5% có nắp đậy kín hoặc để hở. Nước thải được chảy vào hệ thống bể lắng, hồ sinh học bậc 1 và 2 hoặc xử lý bằng công nghệ khác trước khi đổ ra ngoài. Bố trí lò thiêu xác hoặc hầm tiêu huỷ trong khu xử lý chất thải cách xa tối thiểu 20 m đối với giếng nước, nguồn nước mặt và chuồng nuôi.

Để chọn chim cút giống, tiêu chuẩn về ngoại hình của chim cút giống được chọn lọc căn cứ vào màu sắc lông, trong đó chủ yếu là đánh giá mức độ thuần chủng màu lông nâu và màu xám. Các tính trạng đó có liên quan đến mức độ ổn định tính di truyền và cơ sở để tiến hành lai tạo các giống chim cút để có giống thương phẩm có năng suất cao được xác định qua các tiêu chuẩn đánh giá ngoại hình thông qua biểu mẫu. Các tiêu chuẩn về thể chất thường được quy định bằng cách chọn và xác định các chỉ tiêu về sức đề kháng và khả năng chống đỡ các bệnh và sự thích ứng của chim cút với điều kiện môi trường. Cút con nở ra phải úm ngay trong lồng úm quy cách 1,5 x 1,0 x 0,5m, cách mặt đất 0,5m. Xung quanh làm bằng lưới ô vuông 1cm. Những ngày đầu mới úm, đáy lồng và xung quanh phải lót giấy, che kín, yên tĩnh và không bị lọt chân.

Các tiêu chuẩn xác định để chọn giống chim cút về ngoại hình và thể chất có mối liên quan mật thiết với nhau, khi chọn lọc được các giống thuần chủng về ngoại hình đồng thời sẽ củng cố được các tính trạng về thể chất. Trong công tác chọn chim cút làm giống hoặc chọn giống chim cút nuôi thương phẩm đều phải tiến hành xác định được các tiêu chuẩn về quá trình sinh trưởng phát triển và quá trình phát dục.

Người chăn nuôi cần ý thức cao và chọn mua chim cút từ những cơ sở sản xuất giống bố mẹ có uy tín và trách nhiệm, chẳng hạn Viện Chăn nuôi Quốc gia hay các trang trại quy mô lớn, mà chủ trang trại có nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm. Đàn bố mẹ phải khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, con giống không có dị tật, nhanh nhẹn, ăn khỏe... Đàn chim bố mẹ có tỷ lệ đẻ, tỷ lệ ấp nở, nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, ổn định và đồng đều... con trống và mái không đồng huyết.

Ngành chăn nuôi cút hướng thịt hiện nay ngày càng phát triển. Tuy nhiên, với tình hình chăn nuôi diễn biến phức tạp, ngoài các tác động về kinh tế, chăn nuôi cút còn chịu nhiều yếu tố rủi ro như dịch bệnh, giá cả… Chính vì vậy, quy trình này muốn giới thiệu tới người nuôi những nội dung cơ bản nhất từ khâu xây dựng chuồng trai; cách chọn giống; kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng; kỹ thuật vệ sinh chuồng trại, môi trường; quy trình thú y, phòng bệnh trên cút thịt. Mục đích là giúp người chăn nuôi tăng năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Quy trình kịp thời đáp ứng yêu cầu của chăn nuôi hộ gia đình và chăn nuôi trang trại, giúp người chăn nuôi có tài liệu tra cứu, mở rộng kiến thức và ứng dụng vào sản xuất chăn nuôi.

Chủ đề Mô hình chăn nuôi, với 18 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăn nuôi.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.