(028)3.825.8857

Kỹ thuật chọn lọc, chăm sóc và khai thác heo đực giống năng suất cao.

18-08-2022
Heo đực giống có vai trò quan trọng trong chăn nuôi heo, nó quyết định đến chất lượng nhiều thế hệ, số lượng và chất lượng đàn heo. Chính vì vậy, việc chọn lọc, chăm sóc và khai thác đực giống năng suất cao là công việc rất quan trọng.

Trong bài viết này sẽ giới thiệu quy trình chọn lọc, chăm sóc và khai thác heo đực giống năng suất cao. Quy trình này được áp dụng cho các cơ sở chăn nuôi heo đực giống, bao gồm: các trại giống Quốc gia, các Trung tâm giống vật nuôi ở các địa phương, các Hợp tác xã chăn nuôi heo, các Công ty, trại chăn nuôi heo. Theo đó, quy trình chọn lọc gồm 5 giai đoạn chính: giai đoạn sơ sinh, chuyển đàn, kiểm tra năng suất, đánh giá di truyền và giai đoạn tập tinh.

 Ở giai đoạn sơ sinh, cần chọn heo có lý lịch rõ ràng, cha mẹ không bị bệnh, không có khuyết tật về di truyền. Khối lượng sơ sinh >= 1,5 kg. Bên cạnh đó cần kiểm tra ngoại hình của heo như kiểm tra tình trạng của chân móng: Không bị khuyết tật không bị chụm hoặc choãi, móng không bị nứt (4 ngón/bàn chân), lưng vai không gù, Dịch hoàn nổi rõ, hai hàng vú nổi rõ, số lượng vú: >=12 đối với dòng sinh trưởng; >=14 vú đối với dòng sinh sản trong đó số vú trước dương vật >=4, đánh dấu “C” trên thẻ nái.

Ở thời điểm chuyển đàn lúc 55 – 60 ngày tuổi, cần thực hiện cân khối lượng từng cá thể đồng thời kiểm tra ngoại hình: đẹp, nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Kiểm tra tình trạng của chân móng: không bị khuyết tật không bị chụm hoặc choãi, móng không bị nứt >4 ngón, lưng vai không gù. Kiểm tra dịch hoàn: Dịch hoàn nổi rõ. Khi chuyển đàn yêu cầu các cá thể có khối lượng và ngày sinh tương đương nhau. 

Giai đoạn kiểm tra năng suất cá thể: chọn 02 cá thể đực trong các cá thể được chọn lọc ở giai đoạn chuyển đàn để tiến hành kiểm tra riêng (Có thể ghép với các ổ khác hoặc nuôi nhốt riêng) để kiểm tra năng suất đặc biệt. 02 cá thể trên được theo dõi thức ăn riêng, kiểm tra các chỉ tiêu sinh trưởng, chất lượng thịt, chất lượng tinh dịch…Các cá thể còn lại tiến hành kiểm tra bình thường như quy trình kiểm tra năng suất (tuy nhiên có thể kết thúc kiểm tra năng suất sớm theo điều kiện thực tế sản xuất).

* Đối với quy trình kiểm tra năng suất, cần chọn heo đực hậu bị đưa vào kiểm tra có khối lượng từ 25 – 30 kg/con (70 - 75 ngày tuổi), có lý lịch đầy đủ và tuổi chênh lệch không quá 7 ngày trong mỗi nhóm. Kiểm tra ngoại hình: đẹp, nhanh nhen và khỏe mạnh. Kiểm tra tình trạng của chân móng: Không bị khuyết tật không bị chụm hoặc choãi, móng không bị nứt (4 ngón/bàn chân), lưng vai không gù. Kiểm tra dịch hoàn: Dịch hoàn nổi rõ. Cân khối lượng bắt đầu kiểm tra. Lập phiếu theo dõi cá thể và ghi đầy đủ thông tin lý lịch vào phiếu. Đưa vào khu chuồng kiểm tra năng suất trước khi bắt đầu giai đoạn kiểm tra ít nhất 7 ngày để làm quen với khu chuồng.

Đánh giá di truyền các cá thể kiểm tra năng suất.

Sử dụng chỉ số dòng mẹ để chọn đực giống dòng chuyên sinh sản như Yorkshire và Landrace.

     Chỉ số dòng mẹ - MLI (Maternal Line Index):  

MLI  = 100 + 25/SD*(v1.EBVSCS + v2.EBVP21 – v3.EBVT100 – v4.EBVML100)

Sử dụng chỉ số dòng cha để chọn đực giống chuyên sinh trưởng như Duroc, Pietrain.

      Chỉ số đực cuối cùng – TSI (Terminal Sire Index):

TSI   = 100 – 25/SD*(v3.EBVT100 – v4.EBVML100).

Ở giai đoạn tập tinh đực giống hậu bị, số lần tập và kiểm tra tối thiểu 03 lần. Các chỉ tiêu theo dõi: Thể tích (V); Hoạt lực (A), Nồng độ (C) và tỷ lệ kỳ hình. Các cá thể đạt yêu cầu có các chỉ tiêu như sau: V > 150 ml, A> 0.7 và C> 150 triệu/ml. Trong quá trình tập tiếp tục đánh giá tình trạng của dương vật. Tất cả quá trình kiểm tra được ghi chép vào sổ nhật ký. Chọn lọc làm giống.

Trong quá trình sử dụng đực giống, cần lập sổ theo dõi khai thác tinh cho từng cá thể. Xác định thời gian khai thác và sử dụng cho từng cá thể. Lập kế hoạch ghép phối của từng cá thể với nái trong trại (có thể xác định trong năm). Ghi chép và đánh giá chất lượng tinh dịch sau mỗi lần khai thác. Nhập dữ liệu vào phần mềm. Đánh giá loại thải.

Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng. Chuồng trại được thiết kế phù hợp với đặc điểm sinh lý của heo đực giống. Vị trí xây chuồng phải đảm bảo an toàn sinh học, xa các đối tượng heo khác. Heo đực giống được nuôi nhốt cá thể mỗi một con một ô, diện tích tối thiểu cần là 6 m2. Nền chuồng thường làm bằng tấm đan bê tông có khe nhỏ đảm bảo không ảnh hưởng đến chân móng của heo đực và dễ dàng thoát nước. Thành chuồng cao tối thiểu 1,5 m. Trong chuồng có máng ăn, máng uống và được thiết kế dễ dàng vệ sinh. Đảm bảo nhiệt độ thích hợp 18 – 240C; ẩm độ 65 - 75%; tốc độ gió 0,2 - 0,7m/giây. Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống sạch. Định kỳ tắm chải cho heo đực giống. Định kỳ kiểm tra tình trạng móng và có kế hoạch cắt móng cho đực giống. Bổ sung Vitamin C vào thức ăn hoặc nước uống vào những ngày – mùa nắng nóng. Bổ sung Vitamin ADE 1 lần/th; trứng gà (tốt) 02 qủa/đực giống sau khi khai thác tinh (chú ý chỉ cho ăn lòng đỏ trứng). Đối với những heo bị bệnh tuyệt đối không được khai thác tinh. Định kỳ tẩy kí sinh trùng cho heo đực giống 4 tháng/lần, chích ngừa vaccine thai khô, sảy thai truyền nhiễm (Parvovirus) và giả dại Aujeszky 2 lần/năm, chích ngừa vaccine phòng bệnh dịch tả, lở mồm long móng và tai xanh (PRRS) vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11.

Đối với việc kiểm tra, pha chế và bảo quản tinh đực giống, cần kiểm tra tinh dịch thông qua lượng xuất tinh (Sau khi lấy tinh, lọc bỏ ngay chất keo phèn (dùng 4-6 lớp vải màn sạch đã vô trùng). Tinh dịch đã lọc hứng vào lọ có khắc độ. Khi kiểm tra cần đặt ngang tầm mắt, đọc kết quả ở đáy mặt cong của tinh dịch), màu sắc tinh dịch (bình thường lợn ngoại cho tinh màu trắng sữa đặc. Nếu tinh có màu khác như đỏ (lẫn máu), vàng (lẫn nước tiểu), xanh (lẫn mủ) là tinh dịch không đạt yêu cầu và không sử dụng), mùi của tinh dịch (Tinh dịch bình thường có mùi hơi tanh đặc biệt của giống lợn, nếu tinh dịch có mùi khai, thối khắm là tinh dịch đã bị lẫn các chất bẩn (nước tiểu, mủ, phân...) và không được sử dụng), hoạt lực của tinh trùng (A) (Hoạt lực tinh trùng (sức hoạt động của tinh trùng) là tỷ lệ phần trăm số tinh trùng có hoạt động tiến thẳng trong vi trường. Hoạt lực là một chỉ tiêu quan trọng, nhận biết được trong sự đánh giá chủ quan và kinh nghiệm của người kỹ thuật).

Quy trình trên được xây dựng trên cơ sở thực tế sản xuất có áp dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành chăn nuôi heo hiện nay. Do đó, có giá trị ứng dụng cao trong thực tế chăn nuôi đực giống. Quy trình chọn lọc, chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác heo đực giống có các bước thực hiện cụ thể, rõ ràng, khoa học. Áp dụng quy trình này sẽ giúp các nhà chọn giống tạo ra nhiều cá thể đực giống có giá trị di truyền cao cũng như ngoại hình đẹp phục vụ trong ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam.

Chủ đề Mô hình chăn nuôi, với 18 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăn nuôi.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.