Kỹ thuật nuôi heo thịt chất lượng cao
16-08-2022Chăn nuôi heo là một trong những ngành cung cấp thịt chủ yếu không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Một trong những đặc tính ưu việt của chăn nuôi heo là thời gian nuôi ngắn, sức tăng trưởng nhanh và chu kỳ tái sản xuất ngắn. Theo tính toán, bình quân một heo nái có thể đẻ trung bình 2,3 lứa trong một năm với mỗi lứa 10-12 con và có thể tạo ra một khối lượng thịt hơi tới 2600 kg. So với chăn nuôi bò, mức sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi heo cao hơn 5-7 lần trong cùng điều kiện nuôi dưỡng. Hơn nữa tỷ trọng thịt sau giết mổ so với trọng lượng thịt hơi tương đối cao.
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua tăng trưởng đàn heo của nước ta có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất. Hiện tổng đàn heo trên cả nước đạt 28,159 triệu con, sản lượng thịt heo đạt 4,18 triệu tấn. Trong giai đoạn 2015-2021, tổng đàn heo tăng bình quân 0,2%/năm, số heo thịt xuất chuồng tăng 0,3%/năm và tổng sản lượng thịt heo tăng 2,8%/năm. Mặc dù tổng đàn nái giảm bình quân 3,5%/năm nhưng số lượng heo thịt xuất chuồng và sản lượng thịt tang. Điều này chứng tỏ tính hiệu quả của việc áp dụng công tác giống và quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi đã góp phần tăng năng suất sinh sản và trọng lượng xuất chuồng của heo thịt. Trong bài viết này sẽ giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi heo thịt chất lượng cao. Quy trình này được khuyến cáo áp dụng đối với các cơ sở chăn nuôi heo ở Việt Nam, bao gồm: Các Tập đoàn, Công ty chăn nuôi heo; Các trang trại chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp.
Ngành chăn nuôi heo rất dễ rơi vào các cuộc khủng hoảng khi dịch bệnh hoành hành. Thực trạng này đòi hỏi công tác chăn nuôi phải đảm bảo không chỉ tăng trưởng tốt cho vật nuôi, mà còn phải phòng chống tốt với các dịch bệnh lây nhiễm. Do vậy, yêu cầu đầu tiên trong quy trình chăn nuôi heo thịt chất lượng cao đó chính là quy trình vệ sinh phòng dịch. Việc chủ động phòng chống dịch nhằm ngăn chăn tất cả các mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong trại qua phương tiện vận chuyển và con người đồng thời tạo môi trường sinh sống và phát triển tốt cho heo. Việc này nhằm kiểm soát sự tự phát và lây lan mầm bệnh bên trong trại, tạo sức đề kháng và miễn dịch tốt cho heo cũng như duy trì năng suất cao và ổn định.
Theo đánh giá, có 3 con đường xâm nhập mầm bệnh vào trại: (1) Qua phương tiện vận chuyển (xe vận chuyển heo loại, xe nhập heo hậu bị), qua heo nhập về trại, khu xuất bán heo (chiếm 75%), (2) Yếu tố con người (chiếm 20%), (3) Các yếu tố khác: gió, không khí, động vật khác...(chiếm 5%). Do vậy, để phòng chống dịch bệnh cần có hệ thống hàng rào bảo vệ. Trại phải có hệ thống hàng rào bảo vệ xung quanh nhằm kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, ngăn không cho động vật khác vào bên trong trại, bảo vệ được tài sản của trại. Bên trong trại được chia làm 2 khu và được ngăn cách bằng hệ thống hàng rào: Khu chăn nuôi, Khu văn phòng, kí túc xá và nhà ăn. Khu chăn nuôi và khu kí túc xá, văn phòng cách nhau 50 – 100m. Để kiểm soát mầm bệnh từ bên ngoài, đối với phương tiện vận chuyển khi ra vào trại phải có sự đồng ý của người quản lý trại. Khi xe về tới trại phải xịt sát trùng rồi nghỉ 10 – 15 phút trước khi vào trại. Tài xế, người theo xe phải tắm sát trùng và thay đồng phục trước khi vào trại. Phòng dịch đối với người ra vào trại. Trước khi ra vào trại phải có sự đồng ý của người quản lý trại. Khi vào cổng phải phun sát trùng và nghỉ 10 – 15 phút. Không tiếp xúc với heo ít nhất 24 giờ. Khi vào trại phải tuân thủ những nội quy của trại. Khi vào trại phải tắm sát trùng và mặc đồng phục của trại. Đi thăm trại theo thứ tự: heo chờ đẻ, heo con 1 tuần tuổi, heo con 2 tuần tuổi, heo con 3 tuần tuổi, heo con cai sữa, chuồng đẻ đang vệ sinh, chuồng mang thai, chuồng cách ly. Ở khu xuất bán heo cần vệ sinh sạch sẽ khu xuất heo, phun thuốc sát trùng (Omnicide 1/400), rắc vôi. Để phòng dịch đối với heo, heo hậu bị khi nhập về phải được nuôi cách ly ít nhất 60 ngày. Định kỳ xịt sát trùng cho heo (trại đẻ 2 lần/ngày; trại mang thai 1 lần/tuần). Thực hiện tốt công tác làm vaccine theo chương trình vaccine của trại.
Vệ sinh chuồng heo
Song song đó, cần tạo miễn dịch cho heo bằng vaccine. Trong đó, cần lưu ý khi bảo quản và sử dụng vaccine như: Tủ đựng vaccine luôn duy trì nhiệt độ từ 2 – 80C, tránh ánh sáng trực tiếp; Nên làm vaccine vào buổi sáng, lúc heo có sức khỏe tốt nhất; Phải kiểm tra vaccine xem có đảm bảo yêu cầu vận chuyển không?; Dung dịch pha vaccine và dụng cụ tiêm phải được làm lạnh bằng với nhiệt độ của vaccine trước khi pha; Vaccine đã pha phải được giữ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng và phải sử dụng hết trong 24 giờ; Vaccine chết phải được lắc kỹ trước khi sử dụng; Vaccine sống sau khi làm xong còn dư phải ngâm sát trùng.
Việc chuẩn bị chuồng trại cũng rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi heo thịt chất lượng cao. Các dụng cụ như Ống chích, kim chích (kim 12 ngắn và 12 dài, kim 16 ngắn 16 dài); Chuẩn bị banh, kim ngâu thú y- chỉ, dao mổ; Len cào phân, chổi quét; Tủ để thuốc, tủ để vaccine; Sơn đánh dấu hai màu xanh đỏ….Đồng thời cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thực hiện phát quang cây cỏ bụi rậm xung quanh chuồng, lấp những chỗ ao tù nước đọng, rồi xịt xát trùng xung quanh chuồng. Dọn dẹp sạch sẽ bên trong chuồng, rồi dùng máy áp lực xịt rửa thật sạch chuồng bằng nước. Kiểm tra hệ thống điện, nước (nước trên bồn, núm uống). Phun sát trùng tổng thể trại (lượng 2cc/1lit nước). Lắp ổ úm, đèn úm. Phun sát trùng lại đóng cửa chờ nhập heo.
Bên cạnh đó, trước khi nhập heo, cần chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng vệ sinh, dụng cụ chăn nuôi, thú y, cám thuốc hệ thống nước uống: Cám thuốc, vaccine, dụng cụ chăn nuôi nên có sẵn trước khi heo về, bật đèn úm trước lúc heo về, nếu nhiệt độ nhỏ hơn 32 oC….Hàng ngày, vào đầu buổi sáng đi khám sức khỏe heo. Kiểm tra từ chuồng heo nhỏ đến chuồng heo lớn, chuồng không có vấn đề đến chuồng có vấn đề. Heo tiêu chảy, ho, đau chân, sốt…đánh dấu để điều trị. Nếu nặng cần tách về ô cuối để chăm sóc đặc biệt. Ghi chép số heo bệnh loại bệnh vào sổ điều trị. Trong chăn nuôi heo thường gặp một số bệnh như: Bệnh phân trắng heo con, Bệnh sưng phù đầu, Bệnh phó thương hàn, Viêm ruột hoại tử, Bệnh hồng lỵ, Bệnh viêm dạ dày - ruột truyền nhiễm, Bệnh tiêu chảy do Rotavirus nhóm A, Dịch tả heo…
Cho heo ăn
Trên thực tế người chăn nuôi có thể sử dụng toàn bộ quy trình hoặc từng giai đoạn của quy trình. Một số trại chăn nuôi có thể cải tiến quy trình dựa trên điều kiện thức tế sản xuất của trại. Mô hình được xây dựng trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến hiện nay. Chính vì vậy, tài liệu có khả năng áp dụng ở hầu hết các trại chăn nuôi heo sinh trưởng. Tuy nhiên, chăn nuôi heo sinh trưởng là 1 quá trình dài, vật nuôi chịu ảnh hưởng lớn từ tác động bên ngoài nên bất kì sơ suất, thiếu cẩn thận ở 1 giai đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của toàn bộ quá trình nuôi.
Chủ đề Mô hình chăn nuôi, với 18 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăn nuôi.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.