(028)3.825.8857

Mô hình chăn nuôi dê thịt chất lượng cao

15-08-2022

Mô hình áp dụng cho các hộ chăn nuôi dê thịt phù hợp với quy hoạch chăn nuôi của địa phương và có thể cung cấp đủ nguồn thức ăn.

Trên thế giới hiện nay, chăn nuôi dê tập trung ở các nước đang phát triển, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, ở những vùng khô cằn, nông dân nghèo. Ở những nước phát triển, chăn nuôi dê có quy mô đàn lớn hơn và chăn nuôi theo phương thức thâm canh chuyên lấy thịt cho tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu.

Tại Việt Nam, theo Cục Chăn nuôi số lượng đàn dê và sản lượng thịt dê của nước ta liên tục tăng trong những năm gần đây. Trong quy hoạch phát triển và chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp của TP HCM, ngành chăn nuôi được tập trung chuyển đổi nhằm tăng tỷ trọng trong nông nghiệp. Do vậy, việc phát triển mô hình chăn nuôi dê lai trên vùng đất cát và vùng ven biển là phù hợp. Vì dê có thể ăn được nhiều loại thức ăn như lá cây cỏ nghèo dinh dưỡng, chịu đựng cam khổ, khí hậu nóng ẩm; dê có hiệu suất sử dụng thức ăn cao; dê có vốn đầu tư ít, chuồng trại đơn giản thức ăn có sẵn trong tự nhiên.

Yêu cầu của mô hình chăn nuôi dê thịt chất lượng cao là nông hộ nên sử dụng 3 giống dê chính gồm: dê thuần (Bách Thảo thuần, Boer thuần), dê lai hướng thịt (Boer x Bách Thảo) có năng suất và chất lượng cao hơn so với dê địa phương (dê cỏ, dê lai giữa dê Bách Thảo và dê cỏ). Chuồng dê phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấp áp vào mùa đông, sàn chuồng cách mặt đất 50 - 80 cm; nên làm chuồng ở nơi dễ thoát nước và có bóng cây. Sàn chuồng có thể được làm bằng gỗ, tre phẳng hoặc thép, chắc có khe rộng 1,5 - 2 cm để tránh cho dê không bị kẹt chân và đủ lọt phân. Mái chuồng phải chắc chắn, có độ cao vừa phải, có độ dốc để dễ thoát nước và cách thành chuồng ít nhất 60 cm để tránh mưa hắt hay ánh nắng chiếu trực tiếp. Nền chuồng nên được lắng bằng lớp xi măng hoặc đất nền chắc; có độ dốc khoảng 30 - 35% để thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại. Mật độ nuôi đối với dê dưới 6 tháng tuổi từ 0,3 - 0,5 m2/con, đối với dê trên 6 tháng tuổi từ 0,7 - 1 m2/con. Phương thức nuôi là nuôi nhốt hoặc bán chăn thả nên năng suất và an toàn sinh học cao hơn so với phương thức cũ. Nếu các nông hộ có trồng thâm canh các loại cây thức ăn sẽ có nguồn thức ăn thô ổn định hơn, có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với cây cỏ tự nhiên.

Giống dê bách thảo

Về yêu cầu kỹ thuật đối với mô hình chăn nuôi dê chất lượng cao, đầu tiên là những yêu cầu về chuồng nuôi. Do đặc điểm cấu trúc chuồng dê đơn giản nên vật liệu làm chuồng chủ yếu là các vật liệu có sẵn tại địa phương, dễ kiếm và rẻ tiền như: Gỗ tận dụng, tre, tầm vông, thân cây dừa, thân cây cau... Các loại lá tranh, dừa nước, ngói... đều có thể làm nguyên liệu lợp mái. Chuồng dê có nhiều loại khác nhau như: Chuồng riêng rẻ (Chuồng đơn), Chuồng sàn có chia ngăn, Chuồng sàn không chia ngăn, Chuồng trệt không chia ngăn, Chuồng nhốt chung trong một khu rào. Trong đó, hai loại chuồng phổ biến nhất ở nước ta là Chuồng sàn có chia ngăn và Chuồng sàn không chia ngăn. Chuồng sàn có chia ngăn áp dụng đối với dê nuôi lấy sữa còn chuồng sàn không chia ngăn chủ yếu dùng cho nuôi dê thịt. Đối với Chuồng sàn có chia ngăn có thể chia theo nhóm dê như vắt sữa, chữa, khô, hậu bị và dê con.

Chăn nuôi dê theo phương thức nuôi nhốt

Về thói quen ăn uống và thức ăn của dê, dê rất tò mò so với các thú nhai lại khác nên chúng có thể đi một khoảng xa để tìm thức ăn. Thêm vào đó chúng có thể ăn được rất nhiều chủng loại thực vật chủ yếu là lá các loại cây gỗ, cây bụi và cỏ để đáp ứng các nhu cầu dưỡng chất cho cơ thể.

Nhờ vào các đặc tính này mà dê thích nghi rộng rãi từ các vùng ôn đới đến vùng bán khô hạn và vùng nhiệt đới có ẩm độ cao. Chúng có thể ăn nhiều loại thực vật mà trâu bò không ăn được. Tuy nhiên dê cũng khó tính trong tập quán ăn uống, trái với nhận định của nhiều người.

Một số dê có thể ăn một số loại thức ăn mà không được những con khác chấp nhận nhưng chúng từ chối tất cả các thức ăn đã bị thú khác giẫm lên. Hơn nữa, dê có thể phân biệt các vị đắng, ngọt, mặn, chua và có sức chịu đựng cao các thức ăn đắng hơn bò. Dê rất thích ăn nhiều loại thức ăn nên chúng không phát triển tốt với một loại thức ăn đơn độc trong một thời gian dài.

Chúng thích chọn lựa một hỗn hợp gồm cỏ, lá cây bụi và cây gỗ. Dê thích gặm ở phần mầm và lá cây đang tăng trưởng và thường bỏ phần cọng. Ngay trên cùng một loại cây, nhưng có lúc chúng thích ăn có lúc không. Yếu tố quan trọng trong sự lựa chọn của dê là sự sẵn có của các chủng loại thức ăn này.

Nhờ sự linh hoạt của môi trên và miệng nhỏ nên dê có thể lựa chọn được lá non của nhiều loại cây cỏ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao trong một số giai đoạn như đang cho sữa. Nhiều quan sát cho thấy 80 – 83% lượng thức ăn ăn vào của dê là đọt và lá non do cấu trúc bộ tiêu hóa và nhu cầu dinh dưỡng của dê như phần trên đã đề cập.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, dê vẫn có thể sử dụng các thức ăn thô hoặc rơm, thân cây bắp… được thái nhỏ cho vào các máng ăn để cao, ngang tầm với lồng ngực của dê. Nông hộ cũng có thể trồng một số giống cỏ để nuôi dê. Nhìn chung dê thích ăn các loại cỏ có lá ít nhám như thích ăn cỏ xả (Panicum maximum), cỏ pangola (Digitarìa decumbens) hơn là cỏ voi (Pennisetum purpureum).

Dê là vật nuôi dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh. Tuy nhiên, khả năng sản xuất của chúng phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống trong đó có yếu tố chuồng trại, đặc biệt đối với các giống cao sản. Chuồng trại dê so với các chuồng của các vật nuôi khác thì đơn giản và rẻ tiền hơn.

Có thể thấy mô hình chăn nuôi dê thịt chất lượng cao có chi phí sản xuất thấp do xây dựng chuồng trại trong chăn nuôi dê có thể tận dụng các vật sẵn có như tranh, gỗ, tre.... công lao động cũng giảm đáng kể do nuôi theo hình thức nuôi nhốt và chủ động được nguồn thức ăn. Dê là con vật dễ nuôi có khả năng sử dụng thức ăn phong phú, ít bệnh tật nên cũng giảm được chi phí thú y và hao hụt. Tuy nhiên, giống dê được đưa vào mô hình là giống dê chuyên thịt có khối lượng lớn và tăng trọng nhanh vì vậy lượng thức ăn sử dụng sẽ nhiều hơn so với giống dê địa phương. Việc nuôi theo phương thức nuôi nhốt thay vì chăn thả khiến cho nông hộ chưa thể làm quen ngay từ giai đoạn đầu triển khai mô hình. Đối với giống dê bách thảo và F1 (boer x bách thảo) có sự thích nghi cao hơn so với giống dê thuần boer vì vậy cần có sự kiểm soát môi trường cho phù hợp với khả năng thích nghi của giống dê nhập ngoại như giống boer.

Chủ đề Mô hình chăn nuôi, với 18 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăn nuôi.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.