Chỉ dẫn địa lý
04-08-2022Vai trò của chỉ dẫn địa lý
Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sản. Tuy nhiên việc bảo hộ các sản phẩm này vẫn chưa như mong muốn. Do vậy không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo hộ những sản phẩm mang tính truyền thống, đặc sản của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia, từ những sản phẩm rất tự nhiên như hoa quả hay những sản phẩm do trí thức truyền thống của con người, do tri thức văn hoá của con người tạo nên như món ăn, gốm sứ,…
Các quốc gia thường chọn đối tượng bảo hộ là bảo hộ theo luật về chỉ dẫn địa lý. Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định rất rõ, Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Và theo định nghĩa này, khi nhắc đến một vùng, quốc gia hay lãnh thổ, người nghe sẽ hình dung ngay sản phẩm đặc sản đó. Ví dụ, nhắc đến Phú Quốc, người nghe sẽ hình dung ngay đến sản phẩm nước mắm, nhắc tới Hoà Lộc là nhớ tới xoài cát…Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý về mặt nhà nước là bảo vệ tri thức truyền thống của một dân tộc, bảo vệ giá trị đặc sản của một vùng. Ví dụ, gốm Bát Tràng, tranh sơn mài Bình Dương…rất nổi tiếng. Nó nổi tiếng vì những tri thức truyền thống, những bí quyết, những kỹ năng hình thành qua nhiều thế hệ được kết tinh trong từng sản phẩm rất đặc biệt, rất độc đáo. Bên cạnh đó, đến nay Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp nên khi chúng ta bảo hộ được nông sản thì lao động địa phương cũng rất phát triển và hạn chế được di dân tự do. Người dân yêu quê hương, yêu đồng ruộng, họ sẽ bám trụ lại quê hương để sản xuất các đặc sản và có lợi nhuận để duy trì cuộc sống. Hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng sẽ bảo hộ danh tiếng của sản phẩm. Qua đó cũng bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ có lợi ích ngay tại nước sở tại mà còn thu hút dòng đầu tư từ các nước có thị trường tiềm năng. Ngoài ra, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng nhằm thực hiện nghĩa vụ, cam kết quốc tế khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới cũng như các tổ chức khác. Đặc biệt, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tăng thêm giá trị của sản phẩm rất nhiều. Chỉ dẫn địa lý có thể trở thành một thành tố giá trị rất quan trọng trong mạng giá trị của một nhãn hiệu.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý
Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam quy định chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là tài sản quốc gia. Vì vậy quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên nhà nước cũng có thể cho phép tổ chức, thậm chí là cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Việc này cần lưu ý vì liên quan đến sử dụng và khai thác quyền sau đó. Nếu một chỉ dẫn địa lý riêng lẻ ở trong một doanh nghiệp góp phần tạo giá trị cho một nhãn hiệu. Tương tự, chỉ dẫn địa lý hay mạng chỉ dẫn địa lý của một quốc gia cũng góp phần tạo nên giá trị hình ảnh quốc gia. Đôi khi nói đến chỉ dẫn địa lý là nói đến niềm tự hào của từng quốc gia, ví dụ nhắc đến nước Pháp nhiều người sẽ biết đến rượu vang Bordeaux,…
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực. Địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Cụ thể, các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên. Yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng. Đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
- Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;
- Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
- Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
- Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.