Sáng chế trong quản trị công nghệ và hoạt động R&D
02-08-2022Sáng chế là một đối tượng sở hữu trí tuệ, đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo định nghĩa của luật Sở hữu trí tuệ sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Nếu giải pháp kỹ thuật này có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ xem xét để cấp cho người nghĩ ra giải pháp kỹ thuật này Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Thời hạn độc quyền là 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Và nếu giải pháp kỹ thuật đó còn thoả mãn thêm một điều kiện là có trình độ sáng tạo thì sẽ được xem xét để cấp Bằng độc quyền sáng chế. Thời hạn độc quyền là 20 năm tính từ ngày nộp đơn.
Chủ đơn (hoặc người đại diện hợp pháp) chuẩn bị đơn và tiến hành nộp đơn. Sau khi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ sẽ được thẩm định về mặt hình thức. Việc kiểm tra này nhằm xác định tính phù hợp của các hồ sơ đăng ký so với các quy định hiện hành. Trong trường hợp đơn không hợp lệ sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ hoàn trả để chỉnh sửa. Khi đơn được xét hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận ngày nộp đơn (hoặc ngày ưu tiên). Ngày ưu tiên chỉ xuất hiện chúng ta nộp đơn vào nước thứ 2 trở lên). Việc xác định ngày nộp đơn hay ngày ưu tiên rất quan trọng. Nếu một doanh nghiệp hoặc một nhà nghiên cứu khác vô tình sử dụng trùng lắp sáng chế đó hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế đó trước ngày người muốn lấy bằng sáng chế nộp đơn thì sẽ như thế nào. Trường hợp này Luật Sở hữu trí tuệ gọi là quyền của người sử dụng trước. Nghĩa là người A nộp đơn muốn giành độc quyền khai thác nhưng trước đó đã có một chủ thể B vô tình sử dụng, khai thác. Như vậy, sau này, nếu người nộp đơn A có nhận được bằng độc quyền, thì người sử dụng trước (người B) vẫn sẽ tiếp tục được phép sử dụng sáng chế đó trong mức độ mà người B đã đầu tư đến thời điểm mà người A này nộp đơn. Đây là một điều đặc biệt và công bằng giữa các bên trong quá trình sáng tạo và đưa giải pháp sáng tạo ra thị trường.
Kể từ ngày nộp đơn (hay là ngày ưu tiên) thì người nộp đơn sẽ có thời gian là 19 tháng để xem xét mình sẽ công bố đơn vào thời điểm nào. Bản chất của quá trình công bố là nhà sáng chế A bỏ công nghiên cứu sáng chế rất nhiều. Sau đó nhà sáng chế chào bán ra thị trường. Trường hợp này, nếu không có pháp luật sở hữu trí tuệ và sáng chế đó được thị trường đáp ứng thì một nhà đầu tư giỏi mạnh họ nhạy bén với sự phát triển của sáng chế này. Và nhà đầu tư cũng nhảy vào thị trường. Khi đó, vô tình nhà sáng chế trở thành người lót đường trên thị trường cho những người có tiềm lực mạnh hơn. Do vậy, sáng chế sẽ là một công cụ hiệu quả. Ở đây nhà sáng chế công bố rộng rãi để tránh trùng lặp đồng thời công bố để các nhà đầu tư biết rằng xuất hiện một cơ hội đầu tư. Và công bố cũng là để chia sẻ kiến thức của nhà sáng chế cho xã hội. Nhà nước, lãnh thổ nơi nhà sáng chế đăng ký độc quyền sẽ cấp cho nhà sáng chế một sự độc quyền. Ta cũng có thể xem đó là sự đánh đổi, đánh đổi giữa người có khả năng sáng tạo công nghệ và thị trường cũng như là với giới nghiên cứu. Đó cũng là lý do vì sao Luật Sở hữu trí tuệ dành cho người nộp đơn quyền công bố đơn trong một khoảng thời gian. Vì nếu công bố đơn sớm khi chưa đủ lực tung ra thị trường hoặc sản phẩm chưa thật sự hoàn thiện như ý sẽ bất lợi cho người nộp đơn. Các đối thủ khi nắm được sáng chế của người nộp đơn họ có thể nhanh chóng sáng tạo và bao vây sáng chế của người nộp đơn. Do vậy việc thiết kế yêu cầu công bố đơn trong vòng 19 tháng là rất quan trọng. Nó không chỉ là sự đánh đổi để lấy sự độc quyền mà còn giúp người nộp đơn tính toán thời điểm vào thị trường.
Trong quá trình nộp đơn, bất kỳ ở giai đoạn nào, người nộp đơn có thể công bố đơn bất kỳ lúc nào trong vào 19 tháng. Và kể từ khi công bố đơn cho đến khi được cấp bằng, Luật dành cho người nộp đơn một quyền gọi là quyền tạm thời. Tức là ngay sau khi công bố đơn, nếu phát hiện trường hợp nào sao chép giải pháp của mình thì có thể gửi khuyến cáo để họ ngừng hành vi sao chép đó. Trong trường hợp người vi phạm không ngừng hành vi sao chép, sau khi người nộp đơn có được bằng sáng chế, người chủ bằng sáng chế này sẽ có thể ra những quyết như: quyết định thứ nhất là yêu cầu người vi phạm sao chép sáng chế ngừng ngay hành vi sao chép vì người sao chép đã thực hiện hành vi sao chép kể từ sau ngày chủ sáng chế nộp đơn, và lúc này pháp luật sẽ bảo vệ người chủ sáng chế; quyền quyết định thứ hai là từ ngày chủ sáng chế khuyến cáo nhưng người vi phạm vẫn tiếp tục sao chép thì chủ sáng chế sẽ tính là người vi phạm đã làm ra bao nhiêu sản phẩm với lợi nhuận là bao nhiêu và yêu cầu người vi phạm phải trả tiền li xăng cho chủ sáng chế.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.