Tài sản trí tuệ, đối tượng sở hữu trí tuệ & quyền sở hữu trí tuệ
28-07-2022Tài sản trí tuệ của một tổ chức có thể bao gồm các mảng chính là: các quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng sở hữu trí tuệ và các tài sản trí tuệ khác. Do vậy, để khuyến khích gia tăng giá trị tài sản trí tuệ của một tổ chức, các doanh nghiệp cần khuyến khích người lao động bằng cách có cơ chế khen thưởng, động viên, kỷ luật lao động hoặc chia sẻ cổ phần…Lúc đó, doanh nghiệp sẽ có những mầm mống đầu tiên của tài sản trí tuệ và tài sản trí tuệ này sẽ tạo quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ.
Theo pháp luật dân sự, tài sản được phân thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất là vật (như: đồng hồ, máy tính, xe hơi). Nhóm thứ hai là tiền (như: tiền trong túi, tiền trong nhà băng, đối với doanh nghiệp thì còn các loại, các khoản phải thu, khoản phải trả…). Nhóm thứ ba là các giấy tờ có giá (như: cổ phiếu, trái phiếu). Và nhóm thứ 4 là các quyền tài sản. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể được chuyển giao giữa các bên trong các giao dịch dân sự, trong đó bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ.
Trong quyền tài sản có thể có nhiều dạng như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhà xưởng, hợp đồng cho phép khai thác rừng trong thời gian nhất định nào đó, quyền sở hữu trí tuệ…Tất cả đều là những dạng quyền tài sản.
Quyền sở hữu trí tuệ
Trên thực tế, hiện chúng ta vẫn còn sử dụng khái niệm sở hữu trí tuệ theo nghĩa chung chung. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, cần nắm rõ từng đối tượng, đặc biệt đối với giới quản trị càng phải rạch ròi về từng đối tượng. Do vậy, khi nói về quyền sở hữu trí tuệ, để xem xét và vận dụng tốt nhất pháp luật vào đời sống của chúng ta thì cần xem xét khái niệm quyền sở hữu trí tuệ. Theo pháp luật sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu trí tuệ gồm 03 mảng:
Mảng thứ nhất là quyền tác giả. Quyền tác giả là quyền đối với các loại tác phẩm: tác phẩm khoa học, tác phẩm văn học và tác phẩm nghệ thuật. Trền nền tác phẩm, nếu được đưa thêm vào một giá trị gia tăng (ví dụ một ca sỹ khi hát, ngoài những ca từ, tình cảm, ca sỹ sẽ đưa bài hát vào những bối cảnh riêng và đó là giá trị gia tăng của người ca sỹ trong tình huống này), đó là quyền liên quan của người ca sỹ đối với quyền tác giả của người nhạc sỹ. Ở góc độ quản trị chúng ta gọi là quyền đối với một cuộc biểu diễn cụ thể. Và có thể cuộc biểu diễn đó có một sức hấp dẫn đối với khán giả nên sẽ có tổ chức ghi âm ghi hình để nhân bản và phát hành rộng rãi cho công chúng. Hoặc một đài phát thanh, đài truyền hình nào đó họ truyền phát trực tiếp cuộc biểu diễn của người ca sỹ với tác phẩm đó đến công chúng. Như vậy, trong quyền sở hữu trí tuệ, có quyền tác giả đối với một tác phẩm và quyền liên quan một số chủ thể khác xuất phát từ tác phẩm đó. Đó có thể là một cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng trực tiếp, hoặc các tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá…
Mảng thứ hai của quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm: sáng chế (một giải pháp kỹ thuật nào đó), nhãn hiệu (dấu hiệu để cá nhân, tổ chức bán hàng), tên thương mại (tên của công ty để xây dựng và kết tụ những hình ảnh của tổ chức đến các đối tác kinh doanh hay đối với môi trường kinh doanh), chỉ dẫn địa lý (ví dụ như nước mắm Phú Quốc, hoặc một sản phẩm rõ ràng nào đó mang đặc thù của chỉ dẫn địa lý khu vực mà nó hình thành, kiểu dáng công nghiệp (kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc của bao bì), bí mật kinh doanh.
Mảng thứ ba là quyền đối với giống cây trồng. Mảng này xuất phát từ sự phát triển đột phá của ngành công nghệ sinh học.
Việc nắm rõ những khái niệm trên sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta trong việc đi sâu vào từng đơn vị tài sản trí tuệ. Qua đó, nhận diện vai trò của kỹ thuật, vai trò của công nghệ, đặc biệt là vai trò thương mại trong hoạt động kinh doanh tiếp thị, kinh tế đầu tư.
Đối tượng sở hữu trí tuệ
Nếu công ty tạo ra một giải pháp kỹ thuật sáng tạo, giải pháp kỹ thuật đó có thể là sáng chế. Đây chính là một đối tượng sở hữu trí tuệ. Nếu công ty sản xuất các sản phẩm dựa trên sáng chế đó và đưa ra thị trường thì rủi ro lớn nhất là tất cả các đối thủ cạnh tranh hoặc bất kỳ ai sản xuất được, đều có thể bắt chước sáng chế đó và sản xuất hàng loạt. Lúc này, công ty sẽ mất đi quyền khai thác độc quyền. Do vậy, trong trường hợp này, công ty cần đăng ký bằng độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công ty nắm trong tay độc quyền tài sản trí tuệ này. Khi doanh nghiệp có được bằng độc quyền sáng chế, doanh nghiệp sẽ không lo lắng bị đối thủ đánh cắp sản phẩm mà chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm và kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Theo pháp luật dân sự, quyền sở hữu đối với một tài sản nào đó nó bao gồm ba mặt:
Thứ nhất là quyền chiếm hữu tài sản (quyền nắm giữ và quản lý tài sản). Thứ hai là quyền sử dụng tài sản (quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản). Thứ ba là quyền định đoạt tài sản (quyền cho, tặng, biếu).
Trong lĩnh vực quản trị tài sản vô hình và quản trị tài sản trí tuệ, nếu một chủ thể nào đó đang nắm quyền sở hữu đối với một tài sản trí tuệ. Thông thường họ sẽ chọn phương án cấp quyền sử dụng cho một chủ thể khác để khai thác chứ không cấp luôn quyền chiếm hữu hay quyền định đoạt. Một giao kết như vậy gọi là giao kết li xăng (licencing). Đối với một nhà sáng tạo, điều quan trọng nhất là tập trung suy nghĩ và có chiến lược giao kết li xăng hợp lý, hiệu quả. Điều đó sẽ tạo ra một sân chơi cho giới nghiên cứu.
Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là thông tin. Ví dụ nhãn hiệu thì tài sản trí tuệ nằm trong đó chính là tên gọi hoặc hình ảnh hoặc cả tên gọi và hình ảnh được ghi nhận qua thị giác. Đối với tác phẩm âm nhạc thì chính là giai điệu được ghi nhận qua thính giác hoặc trình bày dưới dạng nào đó…Đối với sáng chế thì có thể là một logic kỹ thuật đang được xử lý trong não bộ…Do bản chất của tài sản trí tuệ là thông tin nên trong việc quản trị tài sản trí tuệ, khái niệm quyền sở hữu theo pháp luật sở hữu trí tuệ hầu như không phát huy tác dụng bởi một khi thông tin đã được công bố, bất kỳ ai có một chút trình độ hoặc có một chút hiểu biết nhất định đều có thể nắm bắt nó và chiếm hữu được tài sản đó thông qua việc chiếm hữu thông tin. Với đặc thù như vậy pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có những tập trung phát triển khai thác khía cạnh quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản trí tuệ, đặc biệt là khái niệm độc quyền sử dụng. Một khi chủ sở hữu có độc quyền sử dụng thì giao kết li xăng là cách chủ yếu để chủ sở hữu mang tài sản trí tuệ ra khai thác sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt sự khác biệt giữa ba khái niệm: tài sản trí tuệ, đối tượng sở hữu trí tuệ, các quyền sở hữu trí tuệ.
Trong mỗi tổ chức, trường học, doanh nghiệp trong quá trình hình thành hoặc vận hành sẽ luôn có một số dữ liệu hoặc thông tin. Và qua quá trình, thao tác làm việc của nhân viên những thông tin đó biến thành tri thức, bí quyết của người nhân viên và/ hoặc của tổ chức đó. Bên cạnh đó, trong tổ chức cũng luôn có những quy chế tổ chức bộ máy lao động, quy chế khen thưởng, xử phạt. Sự kết hợp các yếu tố này sẽ tạo nên quy trình tác nghiệp hoặc quy trình công nghệ trong công ty, trường, viện, tổ chức. Trong quá trình làm việc sẽ xuất hiện những khó khăn, lúc này thành viên của tổ chức sẽ đưa ra những sáng kiến đổi mới. Và khi tập hợp những dữ liệu, thông tin, quy chế, tri thức, bí quyết, sáng kiến đổi mới…chúng ta gọi chung đó chính là các tài sản trí tuệ (Intellectual Asset -IAs) của một tổ chức. Khi các tài sản này có tính mới, có tính sáng tạo về công nghệ, mỹ thuật và có giá trị thương mại lâu dài, ta gọi đó là các đối tượng sở hữu trí tuệ như: sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm bản ghi âm, ghi hình, giống cây trồng…Tuy nhiên, khi người tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ này không quan tâm tới luật sở hữu trí tuệ và không quan tâm tới khả năng độc quyền khai thác thị trường thì họ sẽ không làm các thủ tục liên quan. Và như vậy họ sẽ không có được quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ đó. Chỉ khi doanh nghiệp quan tâm thực hiện các thủ tục theo luật định đối với từng đối tượng sở hữu trí tuệ thì lúc đó doanh nghiệp sẽ có trong tay quyền sở hữu trí tuệ (bằng độc quyền sáng chế, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu,…)
Như vậy tài sản trí tuệ của một tổ chức có thể bao gồm các mảng chính là: các quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng sở hữu trí tuệ và các tài sản trí tuệ khác. Do vậy, để khuyến khích gia tăng giá trị tài sản trí tuệ của một tổ chức, các doanh nghiệp cần khuyến khích người lao động bằng cách có cơ chế khen thưởng, động viên, kỷ luật lao động hoặc chia sẻ cổ phần…Lúc đó, doanh nghiệp sẽ có những mầm mống đầu tiên của tài sản trí tuệ và tài sản trí tuệ này sẽ tạo quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.