Sáng kiến đổi mới & tài sản trí tuệ
27-07-2022
Sáng kiến đổi mới cũng có thể là một phương án tài chính mới xuất hiện trong quá trình sáng tạo của tổng giám đốc hoặc một thành viên hội đồng quản trị nhằm tìm hướng đi mới cho công ty. Và như vậy bản chất của tất cả những sáng kiến đổi mới này chính là tài sản trí tuệ.
Trong hoạt động hàng ngày của mỗi tổ chức như doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ… bên cạnh những công việc được triển khai theo kế hoạch, theo quy trình mà mỗi tổ chức đã xây dựng, vẫn luôn xuất hiện những công việc phát sinh, những khó khăn, rủi ro mà tổ chức đó cần giải quyết. Lúc này, những người lao động ở vị trí liên quan sẽ suy nghĩ tìm giải pháp để giải quyết những khó khăn, rủi ro đó. Và nếu giải pháp đó giải quyết những khó khăn, rủi ro một cách hiệu quả, đó chính là sáng kiến. Hay gọi một cách khái quát hơn là sáng kiến đổi mới – innovation. Sáng kiến đổi mới này có thể là một kết quả nghiên cứu rất lâu và được áp dụng hiệu quả. Sáng kiến đó cũng có thể là những kỹ thuật/công nghệ mới do các nhân viên, kỹ thuật viên tham gia tìm hiểu phát hiện hoặc thiết kế. Sáng kiến đổi mới đó cũng có thể là sản phẩm mới mà bộ phận kinh doanh và tiếp thị nhận phản hồi từ yêu cầu của thị trường hoặc đối tác. Sáng kiến đổi mới đó cũng có thể là một ý tưởng tiếp thị mới, ví dụ như trước đây doanh nghiệp không chú ý tiếp thị bán mỹ phẩm cho nam giới. Tuy nhiên, với những yêu cầu từ đối tác, doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận với thị trường này và ra những dòng mỹ phẩm mang những nhãn hiệu cho phái nam. Sáng kiến đổi mới cũng có thể là một phương án tài chính mới xuất hiện trong quá trình sáng tạo của tổng giám đốc hoặc một thành viên hội đồng quản trị nhằm tìm hướng đi mới cho công ty. Và như vậy bản chất của tất cả những sáng kiến đổi mới này chính là tài sản trí tuệ.
Khi sản phẩm trí tuệ này hình thành sẽ mang lại một giá trị nhất định, một số tiền nhất định. Và nếu sản phẩm trí tuệ này có giá trị thương mại dài hạn thì cần xem xét đến chủ sở hữu của sản phẩm. Lúc này, cần xác định sản phẩm trí tuệ là của công ty hay của cá nhân người lao động hay của cả hai. Và xét theo pháp lý, sản phẩm trí tuệ đó có được xác nhận là tài sản không. Nếu đó là tài sản thì ai là chủ sở hữu.
Thông thường, tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình làm thuê hoặc trong quá trình cung cấp dịch vụ thì sẽ thuộc về bên thuê mướn hoặc sẽ thuộc về bên chi tiền để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đó, nếu các bên không có thoả thuận khác. Đây cũng chính là tinh thần chung của pháp luật dân sự. Pháp luật dân sự quy định rằng những tài sản trí tuệ tạo ra trong quá trình làm thuê sẽ thuộc về bên thuê mướn nếu như các bên không có thoả thuận khác. Ví dụ, ở khoản 3, điều 740 của Bộ luật dân sự quy định: Trong trường hợp tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc thì quyền tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc bên giao việc theo hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Mặc dù pháp luật đã quy định rất rõ về điều này. Tuy nhiên, trên thực tế, để tránh những tranh chấp xảy ra, nên đưa vào trong hợp đồng hoặc trong giao ước, trong nội quy lao động của doanh nghiệp, trường học, tổ chức …những quy định rõ về việc tài sản sẽ thuộc về ai. Trong trường hợp được quy định, thoả thuận rõ từ đầu, nếu có tranh chấp hoàn toàn có thể dựa vào hợp đồng để giải quyết. Bên cạnh đó, ngoài việc đưa thoả thuận vào hợp đồng giữa các bên và nội quy của tổ chức, nếu có điều kiện, các tổ chức nên chủ động xây dựng quy chế quản trị tài sản trí tuệ. Trong đó, tổ chức có thể chủ động đặt ra những quy định về quản trị tài sản một cách công khai, bình đẳng giữa các bên và phù hợp với đặc thù hoạt động của tổ chức. Ví dụ anh A là một kỹ sư hoá học rất giỏi và có giải pháp xử lý vấn đề dầu tràn. Công ty B hiện đang tìm kiếm giải pháp khắc phục sự cố dầu tràn. Công ty B đặt hàng anh A nghên cứu giải pháp xử lý dầu tràn và thanh toán cho anh A một khoản chi phí theo đề xuất của anh A. Anh A đề xuất sẽ nhận chi phí từ công ty B nhưng giải pháp nghiên cứu xong anh A sẽ là chủ sở hữu và anh A cam kết sẽ cung cấp độc quyền cho công ty B. Nếu giải pháp này của anh A là hiệu quả nhất và chỉ anh A mới có thể nghiên cứu thành công thì công ty B sẽ chấp nhận đề nghị của anh A. Nếu có cá nhân/ tổ chức cũng nghiên cứu được giải pháp như anh A thì thường công ty B sẽ không chấp thuận đề nghị của anh A mà công ty B sẽ là bên sở hữu giải pháp này. Trong trường hợp này, hai bên đã có những thoả thuận cam kết từ ban đầu. Tình huống này thuộc nội dung “trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Trên thực tế, các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài, thường rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, những công nghệ mà họ mang vào Việt Nam và cung cấp cho các công ty thường là các công nghệ cao. Có thể trong quá trình sử dụng công nghệ cao của họ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được những giải pháp mới. Do vậy, trong lúc giao kết hợp đồng chuyển nhượng, họ thường xuyên đưa vào trong hợp đồng những quy định rất rõ là nếu trong quá trình sử dụng mà phát sinh các tài sản trí tuệ thì họ sẽ giữ quyền sở hữu các tài sản trí tuệ đó. Trong trường hợp này, phía công ty Việt Nam nên yêu cầu được cấp quyền sử dụng miễn phí nếu các tài sản trí tuệ đó được phát sinh bởi quá trình ứng dụng công nghệ tại công ty Việt Nam
Trường hợp trong một tổ chức, nếu người lao động muốn là chủ sở hữu của tài sản trí tuệ. Điều này sẽ phụ thuộc vào tình huống, đặc điểm của tài sản trí tuệ. Bởi một tài sản trí tuệ có thể được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, thương mại khác nhau. Do vậy, chủ sở hữu lao động không cần thiết phải sở hữu tài sản trí tuệ đó trong mọi lĩnh vực mà chủ lao động chỉ cần sở hữu trong lĩnh vực của doanh nghiệp mình. Và người lao động hoàn toàn có thể khai thác tài sản trí tuệ đó ở một lĩnh vực khác. Ví dụ có một nhân vật hoạt hình đưa lên phim và rất được khán giả đón nhận, yêu thích. Trong trường hợp này, nhân vật hoạt hình không chỉ được khai thác trong lĩnh vực phim ảnh mà còn khai thác ở khía cạnh sản xuất thú nhồi bông, quần áo …
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn