(028)3.825.8857

Kinh nghiệm giao kết khai thác tài sản trí tuệ

19-10-2021

Trong hoạt động kinh doanh, đã có một số doanh nghiệp bắt tay hợp tác với các nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, mua bán. Tuy nhiên, hợp tác này có thể có một số rủi ro nếu như việc giao kết ban đầu không chặt chẽ. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ giới thiệu một số kinh nghiệm trong giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nhà khoa học.

Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học để tạo ra những tài sản trí tuệ là sự tự nguyện và nhu cầu đến từ hai phía. Việc hợp tác vừa giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế vừa giúp các nhà khoa học nhận biết đầy đủ hơn về các đối tượng nghiên cứu và các vấn đề từ thực tiễn. Quá trình hợp tác đó giúp nhà khoa học có cơ hội tạo ra dòng tiền bù đắp phí tổn nghiên cứu và mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, mối liên kết này giữa các doanh nghiệp và các trường, viện trong nước vẫn chưa thực sự như mong đợi nên chưa có nhiều tình huống hợp đồng giao kết có ý nghĩa được công bố rộng rãi để các bên liên quan có thể tham khảo. Một lý do khá phổ biến được ghi nhận, khi có các giao dịch liên quan đến việc khai thác các tài sản trí tuệ mới, các bên thường dựa vào các lợi ích ngắn hạn để nhận biết được ngay mà ít khi dựa vào các quyền sở hữu trí tuệ gắn liền với các tài sản trí tuệ mới nảy sinh đó. Điều đó khiến các giao kết hợp đồng thường lỏng lẻo vì chỉ mang tính thủ tục hình thức. Rủi ro thường xảy ra là khi các tài sản trí tuệ mới tạo lập các cơ hội phát huy giá trị thương mại lâu dài, lợi ích giữa các bên có thể không hài hòa như lúc đầu thỏa thuận với nhau. Và tranh chấp sở hữu trí tuệ bắt đầu phát sinh. Như vậy, nếu kỹ thuật quản trị tài sản trí tuệ nội bộ tốt có thể giúp hạn chế phát sinh tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, người lao động chuyên môn. Việc giao kết tốt các hợp đồng hợp tác liên kết giữa chính nhà khoa học Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thể xem là bước khởi đầu để nhà khoa học/doanh nghiệp trong nước từng bước giao kết vững chắc với các doanh nghiệp/ đối tác quốc tế từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thực tế, trong quá trình giao kết, doanh nghiệp nên đưa một số điều khoản chính, điều khoản quan trọng vào trong giao kết hợp đồng với nhà khoa học. Thứ nhất là điều khoản về quyền sở hữu toàn bộ công nghệ được chuyển giao, vì khi doanh nghiệp được toàn quyền sở hữu công nghệ đó, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đăng ký bảo hộ độc quyền nếu doanh nghiệp thấy cần thiết. Vấn đề thứ hai là điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của nhà khoa học. Khi nhà khoa học bán công nghệ phải chuyển giao đầy đủ tất cả hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công nghệ đó bao gồm cả tham số, bản vẽ chi tiết, … để doanh nghiệp sử dụng. Riêng đối với công thức có thể tùy tình huống sẽ có giao kết là thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp hay nhà khoa học, có thể nhà khoa học chỉ cấp quyền li xăng cho doanh nghiệp sử dụng công thức vào trong quy trình mà doanh nghiệp đã mua. Một điều khoản cũng không kém phần quan trọng là doanh nghiệp buộc nhà khoa học không được chuyển giao công nghệ này cho một bên thứ ba nào khác và bản thân nhà khoa học cũng không được phép sử dụng công nghệ đó để khai thác. Trên thực tế nhà khoa học có thể sử dụng công nghệ đó cho nghiên cứu, việc giảng dạy nhưng mà chỉ giới hạn duy nhất trong phạm vi nghiên cứu, giảng dạy. Và nếu trong quá trình nghiên cứu, nhà khoa học tìm hiểu thêm sự cải tiến nào khác, một ứng dụng nào khác từ công nghệ đó thì phải báo cho doanh nghiệp biết để doanh nghiệp có thể xem xét tiếp nhận cải tiến đó ứng dụng vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, cần có điều khoản khi chuyển giao công nghệ, nhà khoa học phải đào tạo cho công nhân trong việc vận hành, lắp đặt, sản xuất thử…để bên nhận có thể triển khai được công nghệ như bên giao đã cam kết. Nhà khoa học cũng cần bảo đảm việc không có một xung đột quyền sở hữu trí tuệ với bên thứ ba, và trong trường hợp có xung đột quyền sở hữu trí tuệ với bên thứ ba thì nhà khoa học phải có trách nhiệm giải quyết xung đột đó. Như vậy, liên quan đến việc giao kết khai thác tài sản trí tuệ sẽ có rất nhiều quyền và nghĩa vụ gắn chặt giữa hai bên. Nhà kinh doanh và nhà khoa học cần thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng và xem xét quyền lợi, nghĩa vụ không chỉ trên phương diện trước mắt mà còn tính đến những nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm ở chặng đường đồng hành cùng nhau lâu dài. Từ đó, sẽ có những giao kết hiệu quả và hạn chế rủi ro cao nhất.

Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.