Quyền tác giả trong kinh doanh
15-10-2021Quyền tác giả đối với tác phẩm liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau, có thể là giảng viên trong các trường đại học, có thể là nghiên cứu viên các viện nghiên cứu hoặc cũng có thể là các quản trị viên tại các doanh nghiệp. Trong bài viết này sẽ đề cập đến một số vấn đề về quyền tác giả trong kinh doanh. Trong quá trình sáng tạo sẽ có những yêu cầu cần ghi nhận công lao cho những đầu tư của quá trình sáng tạo đó. Do vậy bài viết sẽ đề cập thiên về khía cạnh kinh doanh đối với các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Theo Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm chính là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Khi các tác phẩm xuất hiện thì tạo các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm khoa học. Đây chính là tác phẩm gốc. Từ đây có thể tạo ra các tác phẩm mới là tác phẩm phái sinh. Theo Luật sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh là các tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên hoặc chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Một số loại hình tác phẩm văn học, khoa học thường gặp hiện nay là sách, truyện, thơ, tuyển tập; các bài giảng, bài phát biểu, bài nói chuyện; bài báo, tài liệu tham khảo, sách giáo khoa, giáo trình; bảng biểu, báo cáo, đề cương hay đề án; tài liệu thiết kế, mô tả, hướng dẫn; các chương trình máy tính: mã nguồn, mã máy; sưu tập dữ liệu; Ca-ta-lô, sổ tay, tờ rơi…Tất cả các tác phẩm này được trình bày bằng ngôn ngữ thông thường hoặc bằng ký hiệu hoặc mã hiệu. Theo kết quả tìm kiếm của Cục bản quyền tác giả, chúng ta thấy rằng các công trình khoa học như bộ thực hành ghép các vần tiếng Việt chủ sở hữu chính là tác giả. Tác phẩm nghiên cứu khoa học thì tác giả và chủ sở hữu có thể khác nhau, chủ sở hữu có thể là trường/ viện còn tác giả có thể là một tác giả hoặc tập thể tác giả. Một số bài giảng như dạy uốn tóc hoặc dạy trang điểm thì người chủ sở hữu thường là tác giả. Ngoài ra có những tác phẩm viết như tác phẩm về văn hóa dân gian Vĩnh Phúc là tác phẩm được sưu tập và giới thiệu dưới hình thức viết. Bên cạnh đó, không chỉ là tác phẩm văn học, nghệ thuật mà còn là chương trình máy tính cũng được bảo hộ như là một tác phẩm.
Như vậy, chúng ta cần lưu ý đến hai điều liên quan đến quá trình sáng tạo tác phẩm, thứ nhất: ai là người tạo ra tác phẩm và thứ hai: ai là người sở hữu. Một số tác phẩm nghệ thuật như sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh hoặc tác phẩm kiến trúc, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng được áp dụng rất nhiều và được đưa vào kinh doanh. Do vậy, đối với các doanh nghiệp, nhà quản trị nên xem xét rất nhiều điều chúng ta thường gặp trong kinh doanh. Nếu sản phẩm đó do một cá nhân nào phải tốn công sức viết, vẽ ra… đều có thể bảo hộ quyền tác giả. Ví dụ trong lĩnh vực kiến trúc có một số tác phẩm minh họa như: mẫu kiến trúc bảo tàng Hà Nội của tác giả Lê Quang Minh nhưng chủ sở hữu là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Hoặc bản vẽ ca rô về một bộ phận của chiếc ghế ngồi nhưng cũng được bảo hộ dưới dạng tác phẩm văn học. Ngoài ra các tác phẩm mỹ thuật được ứng dụng nhiều trong kinh doanh như tác phẩm bản vẽ bao bì hoặc tạo hình dáng cho một sản phẩm nào đó. Hoặc các chứng chỉ văn bằng khi đăng ký bảo hộ cũng sẽ được bảo hộ như là một tác phẩm nghệ thuật.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.