Sáng chế: một cơ chế sở hữu và bảo hộ công nghệ
15-10-2021Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam gồm sáu phần chính. Phần đầu là những quy định chung. Phần thứ hai liên quan đến quyền tác giả (tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật) và quyền liên quan (cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mạng chương trình được mã hóa). Phần thứ ba là quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý). Phần thứ tư là quyền đối với giống cây trồng (vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch). Phần thứ năm là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phần thứ sáu là điều khoản thi hành. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu một đối tượng sở hữu trí tuệ, cụ thể là một đối tượng sở hữu công nghiệp và cụ thể hơn là sáng chế.
Trước hết, chúng ta cần hiểu hai thuật ngữ phát minh và sáng chế. Phát minh (tiếng Anh là discovery, trong đó cover là vỏ che, dis là gỡ bỏ vỏ che, với hàm ý rằng nội hàm khoa học đã được tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, các nhà khoa học liên quan chỉ phát hiện và làm sáng tỏ một quy luật tự nhiên đó. Một thí dụ điển hình là định luật Acsimet về lực đẩy của nước. Sáng chế là sự sáng tạo dựa trên những quy luật khách quan trong tự nhiên đã được tìm thấy, ví dụ thiết kế tính toán vỏ tàu thủy dựa trên định luật Acsimet.
Theo định nghĩa của Luật sở hữu trí tuệ, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Nếu giải pháp kỹ thuật này có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thì theo Luật sở hữu trí tuệ có thể được xem xét và cấp cho người nghĩ ra giải pháp kỹ thuật đó bằng độc quyền giải pháp hữu ích trong thời hạn 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Nếu giải pháp kỹ thuật đó có thêm điều kiện là có trình độ sáng tạo thì luật cấp bằng độc quyền sáng chế và thời hạn độc quyền là 20 năm tính từ ngày nộp đơn.
Nếu sáng chế là một đối tượng sở hữu công nghiệp thì bằng độc quyền sáng chế là một quyền sở hữu công nghiệp, một dạng của quyền tài sản. Về yêu cầu có khả năng áp dụng công nghiệp, theo Luật sở hữu trí tuệ, điều 62, một giải pháp kỹ thuật được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu nó có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định. Điều kiện thứ hai có thể bảo hộ độc quyền một ý tưởng công nghệ đó là phải có tính mới. Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra quy định được gọi là tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên. Quyền ưu tiên của Đơn đăng ký theo điều 4 công ước Paris là bất kỳ người nào đã nộp một đơn đăng ký hợp lệ đối với một sáng chế/ giải pháp hữu ích tại một trong các nước thành viên của Công ước sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày nộp đơn đầu tiên trong việc đăng ký vào các nước thành viên khác. Ví dụ một kỹ sư hóa có giải pháp phụ gia trộn nào đó, lúc đầu chỉ có ý tưởng kinh doanh nhỏ, nhưng sau khi thấy có khả năng áp dụng công nghiệp và tra cứu thấy có tính mới, đã quyết định nộp đơn tại Việt Nam. Sau khi nộp đơn vào Việt Nam, trong thời gian chờ lấy bằng ở Việt Nam, kỹ sư hóa chào bán thử và thấy rằng sản phẩm này có thị trường và nhận ra sản phẩm có thể bán được ở thị trường Thái Lan, Singapore, Mỹ …Do vậy, kỹ sư hóa nghĩ rằng mình nên giành độc quyền ở Thái Lan, Singapore, Mỹ…Sau đó tuần tự nộp đơn vào các nước đó. Nếu không có Luật sở hữu trí tuệ, để bảo đảm quyền lợi của mình và trong trường hợp kỹ sư hóa muốn phát triển thị trường quốc tế thì phải đồng thời nộp đơn ở nhiều nơi khác nhau. Khi đó có thể sẽ có rủi ro phát sinh là nộp đơn rất nhiều, tốn khá nhiều tiền và mất rất nhiều công sức trong soạn thảo hồ sơ nhưng nếu thị trường không chấp nhận sản phẩm thì rủi ro sẽ rất lớn. Trường hợp ở đây, chúng ta có Luật sở hữu trí tuệ nên chỉ cần nộp đơn tại nước sở tại, tiếp theo sẽ thử nghiệm sự chấp nhận của thị trường và Luật sẽ dành 12 tháng để nhà sáng chế có thể đưa đơn yêu cầu vào các nước khác trước thời hạn 12 tháng. Nếu nhà sáng chế yêu cầu thì chính phủ các nước sẽ xem ngày ưu tiên của đơn không phải là ngày nhà sáng chế nộp đơn vào nước họ mà là ngày nhà sáng chế nộp đơn tại nước đầu tiên. Điều này rất quan trọng, vì trong thời gian 12 tháng đó sẽ giúp cho người có ý tưởng công nghệ tốt sau khi nộp đơn ở nước đầu tiên có đủ một khoảng thời gian nhất định để dự kiến, để kiểm tra thị trường và phân bổ nguồn lực hợp lý. Do vậy, Công ước Paris là một điểm rất quan trọng trong thương mại quốc tế. Và đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp thì quy ước thời gian là 6 tháng. Trường hợp quá 12 tháng đối với sáng chế và quá 6 tháng đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp thì nộp đơn vào nước nào theo Công ước Paris ngày ưu tiên chính là ngày nộp đơn.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự, chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.