Bí mật kinh doanh và các thông tin không tiết lộ
14-10-2021Quyền sở hữu trí tuệ gồm ba mảng: thứ nhất là quyền tác giả (đối với các tác phẩm khoa học, tác phẩm văn học và tác phẩm nghệ thuật) và quyền liên quan (cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa); thứ hai là quyền sở hữu công nghiệp (đối với sáng chế, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp); thứ ba là mảng quyền đối với giống cây trồng. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về chủ đề bí mật kinh doanh và các thông tin không tiết lộ khác.
Trong sáng chế, đối với sáng chế dạng sản phẩm, nếu chúng ta sản xuất và bán ra ngoài, người khác có thể nhanh chóng nắm bắt và làm theo thì con đường duy nhất đối với nhà kinh doanh là nên xem xét đăng ký bằng độc quyền sáng chế để tạo các rào cản pháp lý đối với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có những sáng chế thuộc dạng quy trình, tức là chúng ta có thể bán sản phẩm, hàng hóa đó ra thị trường và khách hàng mua về có thể khám phá tìm hiểu cách tạo nên sản phẩm của chúng ta nhưng họ không biết được làm thế nào để tạo nên một sản phẩm giống như vậy. Trong trường hợp này, nếu chúng ta là nhà kinh doanh công nghệ, chuyên về chuyển giao công nghệ, ngoài việc có thể đăng ký bằng sáng chế, còn có một biện pháp khác để bảo vệ sáng kiến quy trình, đó chính là bí mật kinh doanh. Ví dụ, công ty Coca Cola đã bảo vệ công thức phối liệu dưới dạng bí mật kinh doanh. Họ lưu trữ công thức tại một ngân hàng và chỉ có một số ít nhân viên biết và tất cả đều phải ký cam kết không tiết lộ. Tại sao họ lại không bảo hộ như một bằng độc quyền sáng chế, trong trường hợp này là một khía cạnh khác của kinh doanh công nghệ, họ cho rằng nếu bảo hộ bằng bằng độc quyền sáng chế thì phải công bố sáng chế này ra để đổi lấy sự độc quyền trong vòng 20 năm. Và điều bất tiện là bằng sáng chế trong vòng 20 năm sẽ hết hiệu lực, khi hết hiệu lực thì gần như ai cũng có thể sử dụng được nó. Trong trường hợp sáng chế là bộ đồ chơi của Lego, chúng ta thấy rằng có được bằng độc quyền là con đường duy nhất để ngăn cản các đối thủ bắt chước trong vòng 10-20 năm. Và trong thời gian 10-20 năm đó, khi bằng độc quyền hết hiệu lực và đối thủ cạnh tranh vào được thị trường thì nhà kinh doanh đã tìm cách chuyển hóa lợi thế của bằng độc quyền sáng chế thành hình ảnh của nhãn hiệu, thương hiệu của Lego. Lúc này dù đối thủ vào thị trường cũng khó cạnh tranh với uy tín thương hiệu, nhãn hiệu của Lego đã thống trị thị trường trong lĩnh vực này. Nhưng đối với quy trình sẽ khác. Ví dụ, nếu Coca Cola thấy chắc chắn rằng với nghiên cứu này không dễ gì đối thủ tìm được công thức, họ sẽ bảo hộ bằng bí mật kinh doanh cho tới khi không kể là 20 hay 30 hay 50 năm mà là đến khi không ai tìm ra được thì vẫn mãi là độc quyền. Tuy nhiên, nếu bảo hộ bằng bí mật kinh doanh thì sẽ có những đặc thù rất riêng.
Đầu tiên là sự khác biệt giữa bí mật kinh doanh và các bí mật khác. Bí mật kinh doanh theo định nghĩa của luật là các thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong kinh doanh, chúng ta nên phân định bí mật kinh doanh với các bí mật khác như bí mật về đời tư (được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự). Chúng ta cần lưu ý để khi ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng kinh doanh, có khi ngoài câu chuyện kinh doanh chúng ta cũng muốn tìm hiểu thêm về khách hàng, về đối tác, về nhà cung ứng, về người lãnh đạo của tổ chức đó để chúng ta có được những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Tuy nhiên các nội dung này thuộc về phạm trù của bí mật đời tư. Bên cạnh đó là các bí mật nhà nước. Ví dụ khi chúng ta ký kết với một cơ quan quốc phòng để thực hiện một công việc nào đó có thể liên quan đến bí mật quốc phòng. Và bí mật nhà nước này được bảo vệ theo pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Đó là những thông tin về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, lời nói...có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh …
Có ba điều kiện để bảo hộ bí mật kinh doanh: thứ nhất, để biến một thông tin mật thành bí mật kinh doanh, Luật yêu cầu đó không phải là một hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được. Thứ hai, khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó. Thứ ba là được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Từ đó, chúng ta thấy xuất hiện khái niệm phạm vi bảo hộ bí mật kinh doanh. Luật định nghĩa phạm vi bảo hộ bí mật kinh doanh là tập hợp các thông tin hợp thành, sắp xếp theo một trật tự chính xác và đầy đủ đến mức có thể khai thác được.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 học phần, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự, chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.