(028)3.825.8857

Quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

12-10-2021

 

Trong quá trình vận hành một doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ và vừa…bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính là một trong những nội dung được các doanh nghiệp dành nhiều tâm huyết. Hệ thống tài chính được ví như dòng máu tuần hoàn trong cơ thể doanh nghiệp, nuôi dưỡng tất cả các bộ phận, thành phần trong doanh nghiệp. Quản trị dòng tiền (Cash management) là việc hoạch định, tổ chức và điều khiển để cân đối dòng tiền ra vào của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị của tổ chức. Quản trị dòng tiền là một thuật ngữ khá chuyên ngành do vậy những người “ngoại đạo” như các kỹ sư, bác sỹ thường rất ngại đầu tư vào lĩnh vực quản trị tài chính. Thực ra đây là vấn đề khá rộng nhưng nó không quá khó khăn. Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về khái niệm tài chính, quản trị dòng tiền một cách đơn giản và ngắn gọn nhất, thông qua những ví dụ cụ thể, không mang tính hàn lâm.

Thông thường, nhắc tới khởi nghiệp sẽ được hiểu là hoạt động khởi nghiệp khởi sự theo một ý nghĩa rộng. Có thể bắt đầu bằng việc chúng ta chưa có gì, cũng có thể chúng ta bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp hoàn toàn mới hoặc cũng có thể chúng ta đã có doanh nghiệp và chúng ta mở thêm một doanh nghiệp mới. Những hoạt động này đều có thể gọi chung là khởi sự khởi nghiệp. Hoạt động đầu tiên của khởi sự khởi nghiệp mà chúng ta nhìn thấy chính là hoạt động đầu tư (tiếng anh gọi là investing activity). Kết quả hoạt động đầu tư này là những tài sản của dự án và công ty, ví dụ mua máy móc thiết bị hoặc thiết kế nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng, mở cửa hàng trà sữa hoặc mua xe chạy thuê cho Grap…Tất cả hoạt động đầu tư này đều hình thành tài sản. Ví dụ, tổng mức đầu tư là 10 tỷ đồng. Nếu vốn chủ bỏ ra là 6 tỷ thì chúng ta vay nợ 4 tỷ để có tổng 10 tỷ. Hoạt động này chính là hoạt động huy động vốn (tiếng anh gọi là financing activity). Do vậy, khi nói đến hoạt động tài chính có nghĩa là nguồn gốc vốn từ đâu. Những thuật ngữ trong chuyên ngành như cơ cấu tài chính, cấu trúc tài chính, đòn bẩy tài chính…đều nói lên tỷ lệ của phần nợ so với tài sản và phần vốn so với tài sản. Ví dụ, trong trường hợp này chúng ta có cơ cấu là 4-6 hoặc 6-4, tức là trong tổng đầu tư có 40% là nợ và 60% là vốn chủ. Đây được gọi là cấu trúc tài chính.

Sau khi tổ chức hoạt động kinh doanh sản xuất một thời gian, mục tiêu của khởi nghiệp là làm sao cho vốn chủ ngày càng phát triển, ngày càng tăng lên. Và trong phần vốn chủ này, sau một thời gian sẽ gồm hai phần (vốn góp vào lúc đầu và phần lãi giữ lại do làm ăn hiệu quả để tái đầu tư). Và để có lãi giữ lại doanh nghiệp phải tiến hành một hoạt động thường gọi là hoạt động kinh doanh mua bán. Khi mua bán một sản phẩm/ dịch vụ nào đó, chúng ta có doanh thu. Doanh thu sau khi trừ hết chi phí, chênh lệch còn lại chúng ta gọi là lãi. Phần lãi này sau khi chia cổ tức, nếu có, phần còn lại trở thành nguồn vốn chủ của mình. Và hoạt động mua bán đó chính là hoạt động kinh doanh (operating activity). Như vậy xét về góc nhìn tài chính, hoạt động của một cá nhân, một gia đình, một công ty, thậm chí là góc nhìn của một địa phương hoặc một quốc gia đều có 3 hoạt động giống nhau là hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính và hoạt động kinh doanh. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, mỗi quyết định hoạt động tài chính sẽ hỗ trợ hoặc cản trở hoạt động kinh doanh và mỗi hoạt động kinh doanh sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tài chính. Do vậy, chúng ta nên xem xét việc quản lý dòng tiền, quản lý vốn lưu động một cách hợp lý và hiệu quả trong từng trường hợp, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị tài chính, quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp.

Chủ đề Quản lý ngân sách và Cấu trúc tài chính dành cho SMEs, Startup do Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị Doanh nghiệp (Leadership and Management Science Research Institute – Leadman SRI), giảng viên thỉnh giảng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright – chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về quản lý dòng tiền, quản lý tài chính để áp dụng vào cuộc sống và công việc của mỗi cá nhân, tổ chức.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.