(028)3.825.8857

Các vấn đề pháp lý khi tiếp nhận vốn đầu tư

28-09-2021

Trên thực tế trong quá trình phát triển một dự án thường có sự xuất hiện của nhà đầu tư trong suốt quá trình từ khi có ý tưởng ban đầu đến giai đoạn triển khai và thành lập doanh nghiệp. Trong vấn đề pháp lý khi tiếp nhận vốn đầu tư, nếu việc tiếp nhận xảy ra sau khi đã thành lập doanh nghiệp sẽ khá đơn giản hoặc quy trình sẽ khác hơn. Ở đây chúng ta tìm hiểu vấn đề pháp lý khi tiếp nhận vốn đầu tư ở giai đoạn dự án chưa thành lập doanh nghiệp. Sự khác biệt này được thể hiện, khi đã thành lập doanh nghiệp thì quy định pháp luật sẽ tác động lên hoạt động của doanh nghiệp đó. Cụ thể, trong đó sẽ có điều lệ công ty và trong điều lệ công ty phần nào sẽ được điều chỉnh bởi sự tác động của nhà đầu tư nếu như họ đầu tư và trở thành thành viên hoặc là cổ đông của công ty. Khi chưa thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ dự án sẽ thiết lập với nhau trên một thỏa thuận nhất định và thỏa thuận đó sẽ là thỏa thuận giữa các bên thông qua quá trình đàm phán. Một thỏa thuận dân sự như vậy thì ý chí của các bên là quan trọng nhất. Vậy ý chí này được thể hiện như thế nào? Chúng ta biết rằng, trong thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp dự án khởi nghiệp sau khi nhận được đầu tư của nhà đầu tư đã xảy ra tình huống “cơm không lành, canh không ngọt”. Thậm chí có những nhà sáng lập lên mạng xã hội hoặc kênh truyền thông chia sẻ rằng mình bị nhà đầu tư lừa, những gì về nhà đầu tư là không đúng như kỳ vọng. Thực tế, khi chúng ta kinh doanh, chúng ta không còn là đứa trẻ. Dự án của chúng ta có thể non trẻ nhưng chúng ta kinh doanh, chúng ta phải có góc nhìn của một nhà kinh doanh. Và với cách nhìn của một nhà kinh doanh, không thể sau khi chúng ta kêu gọi nhà đầu tư, mọi việc không suôn sẻ, chúng ta cho rằng trong trường hợp này chúng ta đã bị lừa hoặc chúng ta không hiểu được kỳ vọng của nhà đầu tư. Chúng ta phải chịu trách nhiệm tất cả các quyết định trong quá trình chúng ta kinh doanh. Nếu đó là một rủi ro hoặc đó là một vấn đề mà chúng ta thiếu kinh nghiệm, cũng là chuyện rất thường gặp trong kinh doanh vì không phải ai cũng đưa ra những quyết định đúng đắn, đặc biệt những quyết định liên quan đến đầu tư. Nhưng mỗi lần sai sót, mỗi lần chúng ta chưa đưa ra quyết định đúng đều là một bài học thay vì chúng ta than khóc rằng chúng ta đã sai lầm và nhà đầu tư đã lừa chúng ta. Có thể đây là ý kiến chủ quan nhưng thực tế chúng ta nên lưu ý khi bắt đầu một mối quan hệ với nhà đầu tư. Vậy khi một nhà đầu tư muốn đầu tư vào một dự án khởi nghiệp, chúng ta cần xác định hai bên muốn gì ở nhau. Vì đó chính là cơ sở để chúng ta đưa vào thỏa thuận/ hợp đồng với nhà đầu tư. Ở đây thỏa thuận hay hợp đồng chỉ là một cách nói, quan trọng là nội hàm của văn bản này là gì. Do vậy, trước khi ký kết thỏa thuận hai bên cần làm rõ mục tiêu của mỗi bên, kỳ vọng của mỗi bên dành cho nhau để tránh trường hợp hai bên hiểu theo hai hướng khác nhau. Từ đó, sẽ dễ xảy ra sự cố và hai bên không đồng hành lâu dài cùng nhau được. Ở đây sự đóng góp của nhà đầu tư không hẳn là tiền mà là những giá trị khác (như kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ,…). Hiểu được kỳ vọng của nhau là tiền đề đầu tiên để hai bên có thể tiến xa trên con đường hợp tác lâu dài. Vì vậy việc đầu tiên là cần xác định được mục tiêu và kỳ vọng chung.

Vấn đề thứ hai là việc quyết định dự án sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà sáng lập cho rằng họ đã mất quyền điều hành khi có nhà đầu tư tham gia. Vậy điều này đã được dự tính khi bắt đầu kêu gọi vốn hay chưa. Khi chúng ta tiếp nhận tiền của nhà đầu tư chúng ta đã dự kiến được rằng quyền quyết định dự án là như thế nào và cơ cấu vận hành tổ chức ra sao, quyền điều hành sẽ thuộc về ai và trong trường hợp nào thì quyền điều hành sẽ được chuyển giao. Tất cả những điều này cần được tiên lượng và đưa vào trong thỏa thuận giữa hai bên để tránh trường hợp chúng ta chỉ nghĩ đến việc chúng ta nhận đươc gì từ nhà đầu tư mà chúng ta không hình dung trước được chúng ta phải chia sẻ lại gì, thay đổi gì sau khi có nhà đầu tư cùng đồng hành. Do vậy, chúng ta cần xác định rõ chúng ta sẽ giữ lại điều gì và chúng ta sẽ chia sẻ điều gì khi nhà đầu tư vào tham gia với chúng ta.

Nội dung thứ ba là chúng ta xây dựng định hướng phát triển cho dự án. Xây dựng dự án phát triển không phải là cùng nhau ngồi bàn kế hoạch kinh doanh và sẽ bắt buộc phải tuân thủ theo kế hoạch kinh doanh đó vì kế hoạch kinh doanh có thể thay đổi tùy vào điều kiện bên trong và tác động bên ngoài. Tuy nhiên, định hướng phát triển chung thì hai bên cùng nhìn nhận, cùng tìm hiểu và cùng xây dựng. Ví dụ trong quá trình đồng hành nếu có thêm nhà đầu tư thì sẽ như thế nào hoặc nếu dự án thất bại thì sẽ ra sao…Điều đó sẽ giúp chúng ta giảm thiểu những hiểu lầm đáng tiếc. Trong một số cuộc thi, chúng ta thường thấy rằng một số nhà đầu tư hỏi các bạn khởi nghiệp là nếu như trong quá trình anh đầu tư cho em mà dự án thất bại thì em lấy tiền đâu để trả lại cho anh. Trong trường hợp này, nhà đầu tư đang đứng ở góc độ cho vay tiền nhiều hơn là ở góc độ của một nhà đầu tư. Bởi vì nếu chúng ta gọi đầu tư thì chúng ta sẽ có rủi ro, và nhà đầu tư cũng như nhà khởi nghiệp khi bắt đầu ký thỏa thuận thì phải hiểu rằng chúng ta bước vào một dự án được vận hành thì chúng ta sẽ phải chấp nhận những rủi ro mất mát có thể có.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến tài sản sở hữu trí tuệ cũng cần xem xét được phát triển, bảo mật, phân chia như thế nào. Nếu dự án bị thất bại thì tài sản trí tuệ sẽ thuộc về ai hoặc được xử lý như thế nào…Tất cả đều cần được thảo luận và đưa vào thỏa thuận. Hơn nữa, trước khi nhà đầu tư tìm hiểu dự án cũng cần ký cam kết bảo mật để đảm bảo rằng sau khi nhà đầu tư xem xét dự án, dù có chính thức đầu tư hay không thì toàn bộ thông tin của dự án đều được ký cam kết bảo mật.

Chủ đề Kiến thức về pháp lý khi thành lập và vận hành doanh nghiệp, với 9 chuyên đề do bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật và ông Lâm Tuấn Minh - CEO LP Investment & Consulting, Thành Viên Tổ Hợp LP Group giảng dạy- sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về các vấn đề pháp lý trong lao động cũng như pháp lý trong tiếp nhận vốn đầu tư.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn