(028)3.825.8857

Tư duy sáng tạo trong khởi nghiệp

20-09-2021

Tư duy ngược trong quản trị nhân sự

Lúc tôi vừa có ý định khởi nghiệp, tôi đã đi tìm những đồng đội đồng hành nhưng hầu hết họ đều đang có công việc ổn định. Lúc này tôi mới suy nghĩ là thông thường các founder thường hay tìm đồng đội là người Việt Nam. Do vậy, khi mới khởi nghiệp, thay vì tôi tìm những người đồng hành là người Việt Nam, tôi đã tìm người nước ngoài. Và khi tôi chia sẻ với một người bạn ở Canada, mặc dù anh ấy đang có một công việc đang ổn định nhưng khi nghe đến ý tưởng có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người thì anh ấy đã rất quan tâm đến ý tưởng này. Các bạn cũng biết rằng người nước ngoài họ có xu hướng thích những dự án tạo tác động lớn với xã hội.

Tuy nhiên thực tế thường không dễ nhưng chúng ta nghĩ. Sau khi anh bạn Canada đã quan tâm tới dự án này, bước tiếp theo là lấy tiền đâu để triển khai và nhất là để đảm bảo bước đầu cho cuộc sống của anh bạn Canada ở Việt Nam. Để giải quyết tiếp bài toán này, tôi đã quyết định chia sẻ ý định với người em của mình để tìm kiếm sự đầu tư. Đó là một cậu em làm giám đốc của công ty trong lĩnh vực F&B với tài chính và uy tín tương đối khá. Tuy nhiên cậu ấy lại không hiểu một chút nào về dự án của tôi. Tôi lo lắng và tiếp tục tìm cách tháo gỡ. Qua quan sát, tôi biết được cậu ấy đang đi học tiếng Anh hàng tuần. Vậy là tôi đã thuyết phục cậu ấy rằng, em đi học tiếng anh chi phí 17 USD một buổi, nếu anh tìm cho em một người gốc Canada về ở chung với em trong 2 năm để em vừa nâng cao trình độ tiếng anh vừa hiểu thêm văn hóa người nước ngoài thì em có sẵn sàng đầu tư cho anh 20.000 USD không. Cậu em tôi đồng ý thế là tôi lập tức chia sẻ với anh bạn người Canada rằng ý tưởng này đã có nhà đầu tư thiên thần đầu tư 20.000 USD. Như vậy là trong quá trình giải quyết bài toán khởi nghiệp trên của tôi, tôi đã sử dụng tư duy ngược trong tìm kiếm đồng đội và tôi đã sử dụng tư duy kết nối để giải quyết bài toán tài chính bước đầu.

Câu chuyện nhân sự trong doanh nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ và đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thì càng khó hơn với việc thiếu thốn nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Trong khi nguồn lực mỏng như vậy nhưng Doanh nghiệp khởi nghiệp lại muốn đầu tư và phát triển một sản phẩm chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức và tài chính. Trở lại với câu chuyện trải nghiệm của chính mình, sau khi chúng tôi thuê ngoài một thời gian tốn rất nhiều tiền và công sức mà lại không hiệu quả vì chúng tôi không nắm chuyên môn thì chúng tôi đã quyết định chuyển hướng và tìm một giám đốc công nghệ. Chúng tôi mất 6 tháng để tìm một ứng viên về về công nghệ thông tin và sau khi phỏng vấn 10 ứng viên người Việt thì rất nhiều kịch bản đã xảy ra theo một kết quả chung là thất bại: người hẹn 2 tháng tới làm việc nhưng rồi không tới, người sau thực tập 2 tháng lại không phù hợp văn hóa của công ty, cũng có những người thấy ý tưởng hay và sẵn sàng đồng hành chia sẻ nhưng cuối cùng lại không xuất hiện. Suốt 6 tháng như vậy tốn rất nhiều công sức thời gian và tôi cảm thấy rất thất vọng. Lúc này tôi nghĩ rằng mình đã tìm được một người nước ngoài để đồng hành rồi vậy tại sao tôi không thử tìm một người nước ngoài khác. Tôi tiếp tục áp dụng tư duy ngược này để tìm kiếm đồng đội. Và sau khi lên trang tuyển dụng của Việt Nam tôi đã tìm được hai ứng viên, một người Thụy Điển và một người Ấn Độ. Thời điểm đó, tổng chi phí vận hành của công ty mới chỉ ở mức 60 – 70 triệu/ tháng. Tuy nhiên, trong hồ sơ của bạn Thụy Điển là mức lương 120 triệu/ tháng. Thường khi nhìn mức lương đó tôi biết là mình không thể trả nổi. Nhưng nghĩ đến việc đã từng thuyết phục được người bạn Canada về làm việc, tôi đã tự tin đến gặp và thuyết phục người bạn Thụy Điển. Khi tôi đến gặp, bạn ấy đang làm việc cho một tập đoàn Đức ở vị trí trưởng bộ phận công nghệ thông tin. Một công việc mơ ước với việc nhẹ lương cao nhưng bạn ấy lại thấy nhàm chán và muốn thay đổi. Tôi đã đề xuất mức lương 12 triệu/ tháng và cuối cùng, thật bất ngờ, bạn ấy đã đồng ý. Tôi biết rằng một người đi làm có thể vì mức lương, vì cơ hội thăng tiến và cũng có thể vì sự phát triển của bản thân. Tôi đã thuyết phục được anh bạn công nghệ thông tin đó về cơ hội khác và cuối cùng là anh bạn đó đã đồng ý tham gia cùng chúng tôi. Như vậy là bằng việc áp dụng tư duy ngược, tư duy kết nối chúng tôi đã lần lượt giải quyết bài toán nhân sự. Bản thân những startup khi tuyển dụng nhân sự sẽ rất khó cạnh tranh với những công ty, tập đoàn lớn về mức lương nên mình cần biến những cơ hội thăng tiến, biến những cơ hội phát triển bản thân thành những giá trị để họ chấp nhận chế độ phúc lợi thấp hơn, để họ có thể đồng hành với mình. Đồng thời rằng những giá trị phi vật chất phải đủ mạnh để cho dù khi bên ngoài đưa ra mức lương gấp đôi thì mình vẫn giữ được người của mình. Việc chúng ta áp dụng các tư duy sáng tạo để đưa được những giá trị phi vật chất cung cấp cho người lao động sẽ tạo ra kết quả ngoài mong đợi.

Ngoài ra chúng tôi cũng áp dụng tư duy này để tìm người mentor, người cố vấn vì lực lượng cố vấn rất quan trọng. Chúng ta biết rằng mentor là người có kinh nghiệm, có mối quan hệ, họ có vị trí nhất định và đồng thời nhiều người trong số họ có cơ sở tài chính vững vàng. Và chúng ta cũng biết rằng, các Mentor vào không phải để giúp bạn làm giàu mà thông qua bạn họ có thể thực hiện được một giá trị nào đó cho cộng đồng mà họ trăn trở và đó cũng có thể là một cơ hội đầu tư. Việc bạn tiếp cận với mentor ở giai đoạn đầu, mentor hỗ trợ cho bạn là ở giá trị sản phẩm, giá trị con người bạn chứ không chỉ là vì để họ được 2-3% cổ phần trong công ty bạn. Họ đủ kiến thức và kinh nghiệm để biết rằng hành trình khởi nghiệp khó khăn và rất dài lâu. Yếu tố giúp thuyết phục mentor chính là hoài bão, khát vọng của bạn. Và khi các bạn tìm mentor thì nên lưu ý cần tìm hiểu kỹ về mentor trước khi gặp gỡ nói chuyện với họ. Và nếu bước đầu chúng ta chưa tìm được thì chúng ta có thể tìm những người anh, người chị xung quanh chúng ta sau đó chúng ta tìm được những mentor mang lại cho chúng ta những giá trị cao hơn. Ngoài ra, các bạn và mentor cần có KPI rõ ràng trong thời gian cụ thể để thuận tiện làm việc. Do vậy trước khi khởi nghiệp bạn nên chia sẻ với những người anh/ người chị/ người có kinh nghiệm để thay vì chỉ một mình mình trăn trở thì hãy mạnh dạn chia sẻ với những người bạn tin tưởng để được lắng nghe những góp ý, những phản biện để từng bước điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và hướng đi của bạn.

Chủ đề Mô hình và tư duy sáng tạo trong kinh doanh, với 6 chuyên đề do ông Hồ Đức Hoàn - Founder & CEO Edu2review sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn