(028)3.825.8857

Nhà đầu tư cần gì ở startup

16-09-2021

Tầm nhìn của startup

A great different vision – có tầm nhìn đủ lớn và thật sự khác biệt. Với kinh nghiệm của nhà đầu tư họ không khó để nhận ra bạn đang đi theo mô hình nào, ai đã từng đi theo mô hình đó và bạn có sự khác biệt gì và tính khả thi tới đâu khi bạn chia sẻ tầm nhìn, định hướng của bạn với nhà đầu tư. Và để kiểm chứng mô hình của bạn có thật sự khác biệt hay không, bạn có thể sử dụng mô hình STEEP ( Social – xã hội, Technology – công nghệ, Economic – kinh tế, Ecological – sinh thái, Political – chính trị/pháp lý). Tuy nhiên khi bạn chia sẻ tầm nhìn thì nhà đầu tư sẽ không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ quan tâm là bạn sẽ có những kế hoạch nào, những cản trở nào, có những lợi thế gì và điểm yếu nào khi thực hiện sứ mệnh đó.

Những điểm nào startup nên trình bày với nhà đầu tư?

Thứ nhất startup nên xác định vấn đề rõ ràng và giải pháp rõ ràng. Trên thực tế rất nhiều bạn đã mất điểm ngay ở điểm đầu tiên này. Lý do là các bạn đưa ý tưởng nhưng chẳng giải quyết được vấn đề nào cả, không giải quyết một nỗi đau nào của ai nên ngay điểm đầu tiên này bạn đã thất bại. Chúng ta say mê mô tả ý tưởng của mình làm nhưng chúng ta lại không tập trung vào cái mà xã hội cần.

Điều thứ hai là quy mô thị trường của giải pháp đó. Nếu bạn muốn giải quyết bài toán cho một địa phương, một huyện chẳng hạn, ví dụ như vấn đề đăng ký hộ khẩu ở một huyện nó sẽ hoàn toàn khác với việc bài toán được triển khai trên toàn quốc gia. Như vậy là lời giải đó được áp dụng trong phạm vi thị trường nào là điều rất quan trọng.

Và khi bạn có giải pháp, có thị trường tiềm năng rồi thì bạn có lợi thế gì để triển khai để hiện thực hóa thị trường tiềm năng đó. Đó chính là lợi thế cạnh tranh. Ai cũng có thể có vấn đề, ai cũng có thể xây dựng ra giải pháp, ai cũng có thể tiếp cận thị trường. Vậy lợi thế của chúng ta là gì để chúng ta thực hiện được điều đó. Lợi thế cạnh tranh đến từ những yếu tố như: thứ nhất về mặt con người, trong nhóm của bạn có tài năng không? Lợi thế thứ hai đến từ mô hình kinh doanh của bạn. Lợi thế thứ ba là các bạn có thể cho nhà đầu tư một cơ hội để thoái vốn hay không? Lợi thế thứ năm đến từ network. Network rất quan trọng. Khi chúng ta nhìn thấy founder xây dựng network cho đứa con tinh thần của mình chúng ta có thể hình dung được startup ấy có khả năng lớn lên như thế nào. Thứ sáu là bạn đã bao giờ đầu tư vào một ai chưa. Đây chính là một lợi thế. Thực ra khi một nhà đầu tư họ đầu tư vào bạn thì không phải họ nhắm vào lợi ích của bạn đâu mà bạn phải nhìn nhận rằng đấy chính là một thủy thủ đi cùng với mình. Họ mang cho bạn hình ảnh của họ, họ mang cho bạn tiền của họ, họ mang cho bạn network của họ, họ giới thiệu bạn với bạn bè của họ. Họ đặt niềm tin vào bạn…Đó là một điều chứng thực bạn có lợi thế hơn những người khác. Do vậy ở vòng gọi vốn đầu tiên hãy mạnh dạn định giá thấp hơn vì chúng ta cần một chứng thực. Ví dụ dự án của bạn được anh Trương Gia Bình đầu tư 1 triệu thôi tôi nghĩ bạn cũng sẽ rất trân trọng. Bởi vì nó không chỉ đơn thuần là tiền mà còn hơn thế nữa, nó là một bằng chứng về sự uy tín của bạn.

Một điều mà nhà đầu tư quan tâm nữa đó chín là họ sẽ nhìn vào đội nhóm của các bạn. Đội của bạn có bao nhiêu người, là những người nào, gồm những ai. Bạn quản lý đội nhóm như thế nào? Và nếu dự án chỉ có một mình bạn thì dù bạn có giỏi tới đâu nhà đầu tư vẫn sẽ rất khó để xem xét đầu tư vào dự án của bạn. Do vậy đội nhóm của bạn cần mời gọi những đồng đội đi cùng, đảm bảo sự đa dạng và bù trừ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho nhau. Tuy nhiên, ở chúng ta thường không thích những người khác quan điểm. Và đó là một thiệt thòi.

Một số thống kê rất thú vị ở đây mà chúng ta thường thấy nhà đầu tư thường hay nghĩ về startup: Thông thường các doanh nhân khởi nghiệp thường đánh giá giá trị của mình trước khi tìm được market fit hơn 2,5 lần giá trị. Khi các startup cho rằng giá trị của startup mình trị giá 5 tỷ đồng thì nhà đầu tư sẽ chia cho 2.5 và họ sẽ chấp nhận ở mức là hơn 2 tỷ. Các startup thường khẳng định sẽ mất một khoảng thời gian để market fit nhưng thực tế phải mất gấp 2-3 lần như thế. Tức là sau khi startup đã có sản phẩm, có khách hàng, các startup cho rằng mô hình của các bạn sẽ market fit trong vòng 6 tháng nữa thì nhà đầu tư sẽ chốt là bạn sẽ mất tối thiểu 1 năm đến 1,5 năm. Tức là quá trình market fit thường nhà đầu tư thấy sẽ kéo dài hơn so với tuyên bố của startup. Với những startup chưa bao giờ gọi vốn thường đánh giá market size gấp 100 lần so với market size mà họ có thể. Có nghĩa là nếu startup nào đó nói rằng tôi có thể phục vụ cho 90% nhu cầu của khách hàng cá nhân thì thực tế chỉ có 9% mà thôi. Startup nào nói rằng thị trường ở đó 9 triệu đô thì nhà đầu tư chỉ đánh giá là 0.9 triệu. Những startup scale up sớm, ngay khi mà startup chưa sẵn sàng cho việc đó thì thường là lý do để startup làm việc kém đi và thậm chí là gục ngã và thường là các startup sẽ thất bại. Khi startup tự vượt lên chính mình mà chưa đúng thời điểm, chưa đến thời gian các bạn scale up thì thường rất dễ bị ngã gục.

Chủ đề Những kiến thức nền tảng để bắt đầu một startup, chuyên đề Tài chính, định giá và gọi vốn với phần chia sẻ của ông Nguyễn Việt Đức, nhà sáng lập và CEO của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo - ICM (Innovation Capital Management) sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn