(028)3.825.8857

Bốn ngã rẽ của hành trình khởi nghiệp sáng tạo

16-09-2021

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (startup) là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh (Theo nghị định 38/2018/NĐ-CP của chính phủ về Quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo). Chúng ta cũng có thể hiểu một cách đơn giản startup là một tổ chức tạm thời được thành lập để tìm kiếm mô hình kinh doanh có thể lặp lại và có thể mở rộng.

Theo thống kê startup kiến tạo 70-80% việc làm mới và một phần lớn của cải toàn cầu nhưng 8 trong 10 dự án startup thất bại (thất bại về dự án chứ không phải thất bại về con người). Lý do thất bại nhiều nhất mà startup gặp phải đó chính là sự phức tạp của quản trị nguồn lực. Nếu ở tập đoàn lớn, họ chỉ còn một số vấn đề cần phải cải thiện (ví dụ như sản phẩm) sau một thời gian vận hành tập đoàn thì đối với một startup non trẻ họ phải làm tất cả mọi việc. Startup phải đi tìm kiếm các ngách của thị trường, phải tìm cách tìm kiếm công nghệ tối ưu, cách đưa sản phẩm tới khách hàng, tự quản trị đội nhóm, mở rộng kết nối…Sự phức tạp trong quản trị này thường không có người dẫn dắt có kinh nghiệm. Đó thường là lý do chính dẫn tới sự thất bại của các startup. Sự dẫn dắt sẽ giúp cho các startup vượt qua được sự hỗn loạn, hỗn độn trong bước đầu khởi nghiệp, giúp startup nhận ra được những điểm nào cần tấn công và giúp kết nối với các mảnh ghép cần thiết để startup có thể vượt qua.

Theo thống kê, sau một thời gian vận hành thì một startup thường có 4 con đường để lựa chọn.

Thứ nhất là sự thất bại (đây là thất bại ở dự án, ở công ty chứ không phải thất bại về founder). Trong trường hợp này, startup phải đóng cửa công ty hoặc thanh lý tài sản với nhiều tổn thất cho tất cả các bên.

Sự lựa chọn thứ 2 là trở thành một loại hình công ty thường được gọi là loại hình Lifestyle. Trong trường hợp này, startup sẽ phục vụ cho nhu cầu đặc thù nào đó, loại hình này khá giống với hình thức doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng nó không hoàn toàn giống nhau. Loại hình thứ hai này cũng đạt được một số hiệu quả về lợi nhuận hoặc thị phần và cung cấp được một phần lợi ích cho ban điều hành và nhân viên. Tuy nhiên loại hình này không đem lại lợi ích cho nhà đầu tư hoặc người sáng lập, thậm chí lợi ích mang lại còn thấp hơn lãi suất ngân hàng. Trong trường hợp này nhà đầu tư rất khó thoái vốn và người sáng lập cũng khó thoát khỏi Doanh nghiệp, vì dù trông rất ổn nhưng hiệu quả thực sự không cao.

Lựa chọn thứ ba là M&A. Thường M&A xuất phát từ lý do là startup được mua lại bởi một công ty nằm trong chuỗi giá trị chung. Họ có thể M&A với startup vì startup là một đơn vị cung cấp hoặc phân phối trong chuỗi giá trị của họ. Hoặc là họ gắn vào startup vì họ muốn mở rộng hệ sinh thái doanh nghiệp của chính họ. Có một thực tế là ngay cả ở Silicon Valley thì các startup thành công đến mức độ này cũng chiếm tới 90% là M&A và chỉ có 10% là IPO. Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận rằng, khi chúng ta được M&A thì chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta đã thoát khỏi hai trường hợp đầu. Chúng ta cũng nên cảm thấy tự hào vì chúng ta được đi cùng những người khổng lồ. Mô hình này chính là mô hình lợi nhuận được mua lại và gắn vào một công ty lớn hơn, tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư hoặc người sáng lập.

Lựa chọn thứ tư là IPO.  Đây chính là điều mà tất cả chúng ta mong ước. Startup của chúng ta được niêm yết đại chúng, tạo ra lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư/ chủ nhân. Tuy nhiên thị trường niêm yết hiện nay cũng có rất nhiều màu sắc, nơi mà có rất nhiều người tham gia cuộc chơi này. Tất nhiên là hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết đó họ đủ điều kiện để trụ lại, để đứng vững. Chúng ta cũng thấy trên thực tế, khi vướng vào các cơn bão thì rất nhiều doanh nghiệp thiếu điều kiện niêm yết, rất nhiều doanh nghiệp hủy sàn này để chuyển qua sàn khác….

Do vậy trên tất cả các con đường này, điều mà chúng ta cần nhìn nhận là chúng ta có thể mang một giải pháp ý nghĩa nào đó cho cộng đồng hay không và trên chặng đường này cũng mở ra nhiều lựa chọn để chúng ta hợp tác với nhau, đi cùng nhau. Ngay cả khi M&A, việc chúng ta lo lắng chúng ta có thể hoàn toàn chuyển nó thành những giao kết với nhà đầu tư. Và về IPO cũng vậy, chúng ta biết rằng Mark Zuckerberg của Facebook ông ấy giữ một điều khoản là tổng giám đốc còn lại ông rất sẵn lòng cởi mở trong việc để cho các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư. Như vậy vấn đề là chúng ta cần cấu trúc mô hình cho startup của chúng ta và chúng ta hoàn toàn làm được điều đó.

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về bốn lựa chọn trên, chúng ta cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa lifestyle và startup. Lifestyle là hỗ trợ cho một kiểu sống còn startup thì hướng tới thay đổi kiểu sống. Lifestyle thường sở hữu cá nhân/nhỏ lẻ giống như mô hình kinh doanh gia đình còn startup là phải sở hữu nhiều nhà đầu tư/ đồng sở hữu. Lifestyle thường tập trung ở địa phương và giải quyết bài toán khu vực còn startup có tham vọng toàn cầu. Lifestyle không có nhiều những sáng chế/phát kiến, Startup phải dựa trên những thứ hoàn toàn mới và bùng nổ sáng tạo. Lifestyle thường rất khó scale up còn startup tất nhiên là phải scale up. Lifestyle là mô hình kinh doanh truyền thống còn Startup đi theo mô hình kinh doanh sáng tạo. Lifestyle có tăng trưởng tuyến tính ổn định còn startup tăng trưởng phi tuyến tính

Hình: Sự khác biệt giữa Lifestyle và startup

Trên thực tế, khi thuyết trình thường các startup tập trung quá nhiều vào sản phẩm và startup thường trình bày về những điều startup muốn làm là gì nhưng nhà đầu tư lại quan tâm về khả năng của founder và mô hình kinh doanh.

Chủ đề Những kiến thức nền tảng để bắt đầu một startup, chuyên đề Tài chính, định giá và gọi vốn với phần chia sẻ của ôngNguyễn Việt Đức hiện là người sáng lập và CEO của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo - ICM (Innovation Capital Management) sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn