Xây dựng mô hình kinh doanh cho startup
15-09-2021Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo
Nếu bạn đang có ý định mở một quán cà phê hoặc mở quán bán bún bò hoặc mở tiệm cắt tóc gội đầu, đó chính là khởi sự kinh doanh. Khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp là đều có cùng một cách hiểu như nhau. Nhưng nếu một ngày nào đó, bạn chán việc chỉ bán quanh quẩn trong xóm, trong phường của bạn. Và bạn muốn phân phối sản phẩm/ dịch vụ tới khắp các tỉnh, thành của Việt Nam hoặc vươn ra thị trường thế giới và biến mô hình của mình thành chuỗi. Đến lúc này bạn đang bắt đầu bước vào hành trình của một khởi nghiệp sáng tạo (startup).
Không ít người thường nghĩ, khởi nghiệp là phải làm chủ. Nhưng điều đó liệu có đúng như vậy? Các nhân sự ở trong một nhóm đồng sáng lập hoặc đang giữ những vị trí quan trọng trong các phòng, ban tại các công ty thì đó cũng chính là tinh thần khởi nghiệp. Mình đang mang giá trị của mình để phục vụ một đối tượng nào đó. Ví dụ các thầy, cô giáo mang giá trị của mình phục vụ cho các khách hàng là các em học sinh, sinh viên và Ban giám đốc là lãnh đạo của mình thì thầy, cô giáo cũng đang vận hành mô hình kinh doanh của cá nhân. Và nói một cách thực dụng thì chúng ta ai cũng phải đi bán hàng. Điều đó có nghĩa là khởi nghiệp không hẳn là đi ra ngoài, mở công ty rồi ghi chức danh Sáng lập/ Giám đốc điều hành thì mới là khởi nghiệp. Do vậy khởi nghiệp không đơn thuần là mở công ty, hơn nữa mở ra thì dễ nhưng đóng lại thì không dễ dàng. Do vậy chúng ta cần hiểu đúng để làm đúng.
Khi bạn có ý tưởng, việc đầu tiên không phải là đi kết nối, đi gọi vốn mà nên tập trung trả lời câu hỏi: mình bán cho ai và bán cái gì. Chúng ta cần xác định rõ hai điều này trước khi bỏ thời gian, công sức để đi kết nối, đi gọi vốn…Với xu hướng khởi nghiệp tinh gọn hiện nay, các bạn không cần phải làm gì quá hoành tráng mà vẫn có thể kiểm chứng được ý tưởng của mình. Đối với một người khởi nghiệp, nhà sáng lập thì việc quan trọng nhất là phải ra ngoài đi nói chuyện với đối tượng khách hàng của mình. Vì vấn đề không phải là sản phẩm/ dịch vụ của bạn hay hay dở mà ai sẽ là người trả tiền cho sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Chúng ta cần hiểu được đối tượng khách hàng mình nhắm đến là ai và thấu hiểu được insight của khách hàng, vẽ được chân dung của khách hàng từ thói quen, đặc tính, hành vi tiêu dùng, thông tin nhân khẩu học…. Việc tìm hiểu nhu cầu khách hàng có thể có nhiều cách khác nhau (khảo sát online/ offline, phỏng vấn, quan sát…) nhưng trên thực tế triển khai thì cách trực tiếp đi ra ngoài để kiểm chứng là rất hiệu quả. Và tất nhiên sẽ không có câu trả lời phương pháp nào, online hay offline hay phỏng vấn… là tốt nhất, mà mỗi phương pháp có điểm mạnh, yếu khác nhau. Khi hiểu được khách hàng, chúng ta sẽ tổng hợp những “nỗi đau”, những mong muốn đồng thời sẽ thiết kế những sản phẩm/ dịch vụ và cách thức giải quyết “nỗi đau” cho khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Xây dựng mô hình kinh doanh
Khi nói đến xây dựng mô hình kinh doanh thì yếu tố đầu tiên là mô hình kinh doanh phải có lãi. Và như vậy sẽ không có khái niệm mô hình kinh doanh hoành tráng, sang trọng hoặc mô hình kinh doanh lý tưởng mà chỉ là mô hình kinh doanh có lãi, mô hình kinh doanh sống được hay không sống được.
Trước đây, chúng ta thường xây dựng kế hoạch với tiêu chí càng nhiều biểu đồ, càng nhiều con số, càng dày càng tốt nhưng trong đó 99,9% là mong ước, 0,1% là hiện thực. Thậm chí chúng ta xây dựng kế hoạch ngay cả khi chúng ta chưa có sản phẩm, khách hàng nhưng đã lên dự toán doanh thu 3 năm, 5 năm. Xây dựng kế hoạch kinh doanh là cần thiết nhưng xây dựng vào thời điểm nào, giai đoạn nào để đảm bảo tính khả thi cao nhất có thể của kế hoạch. Thế giới của chúng ta đã xuất hiện một xu hướng mới là khởi nghiệp tinh gọn. Triết lý của khởi nghiệp tinh gọn xoay quanh kinh tế thị trường, tức là mọi thứ bắt đầu từ nhu cầu của khách hàng và khuyến khích nhà khởi nghiệp chỉ làm công việc phát triển giả thuyết, đi ra ngoài kiểm chứng, quay về rút kinh nghiệm là giữ nguyên hay thay đổi. Toàn bộ triết lý khởi nghiệp tinh gọn xoay quanh triết lý đó. Và sau khi xuất hiện triết lý khởi nghiệp tinh gọn thì trên thế giới cũng xuất hiện nhiều công cụ sáng tạo manh tính chất tinh gọn, trong đó có công cụ business model canvas. Công cụ này giúp thể hiện mô hình kinh doanh trên một trang giấy. Và nó được sử dụng khá phổ biến trên toàn thế giới để mô tả mô hình kinh doanh. Lúc xây dựng, tác giả của công cụ này chỉ hi vọng nó được áp dụng cho các startup nhưng sau đó ngay cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập đoàn, mô hình kinh doanh của quốc gia và ngay cả mô hình kinh doanh của cá nhân cũng sử dụng công cụ này. Thậm chí nhiều trường học cũng yêu cầu sinh viên viết sơ yếu lý lịch theo mô hình kinh doanh này.
Business Model Canvas có 9 thành phần tạo nên các tiêu chí chính của bản kế hoạch kinh doanh bao gồm:
- Phân khúc khách hàng (Customer Segments): Khách hàng là ai? Họ nghĩ gì, nhìn nhận gì, cảm nhận gì và làm gì?
- Giá trị cung cấp (Value Propositions): khi chúng ta biết được khách hàng của mình là ai, thông tin nhân khẩu học, vấn đề của họ là gì thì chúng ta mang lại giá trị gì cho khách hàng và tại sao khách hàng sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của chúng ta?
- Kênh phân phối (Distribution Channels): Khi chúng ta biết mình bán cho ai, bán giá trị gì thì tiếp tục trả lời cho câu hỏi thứ 3 là làm thế nào để chúng ta mang giá trị của mình tới tay người tiêu dùng, thậm chí nó không chỉ đơn thuần là kênh phân phối.
- Quan hệ Khách hàng (Customer Relationship): Bạn cung cấp dịch vụ cho khách hàng như thế nào thông qua quá trình giao dịch với họ?
- Luồng doanh thu (Revenue Stream): Và sau khi chúng ta xác định bán cho ai cái gì và bán như thế nào thì chúng ta sẽ xác định nguồn thu của mình đến từ đâu?
- Các hoạt động chính (Key Activities): Trong mô hình kinh doanh, hoạt động nào là chính yếu và tất nhiên không có mô hình nào mà chúng ta làm tất cả các hoạt động.
- Những nguồn lực chính (Key Resources): Những tài sản và nguồn lực quan trọng nhất mà công ty phải có để tạo ra năng lực cạnh tranh là gì?
- Những Đối tác chính (Key Partners): Những đối tác liên quan đến cung cấp giá trị của doanh nghiệp bao gồm cả những đối tác cung cấp nguồn lực và thực hiện công việc kinh doanh.
- Cấu trúc chi phí (Cost Structure): Những chi phí chủ yếu của công ty là gì? Chúng có liên quan gì tới doanh thu?
Khi chúng ta mới bắt tay xây dựng mô hình kinh doanh thì có thể chưa có đủ thông tin cho 9 thành phần nói trên mà có thể chỉ có từ thành phần (1) tới thành phần (4). Và chúng ta thấy rằng các thành phần (1) tới thành phần (4) là mang tính chất bên ngoài thị trường còn thành phần (5) tới thành phần (9) là bên trong nội bộ. Do vậy, chúng ta nên hoàn tất các thành phần (1) tới thành phần (4) trước để thị trường chấp nhận sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện nội bộ.
Chủ đề Những kiến thức nền tảng để bắt đầu một startup với sự chia sẻ của ông Trần Vũ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn SIHUB, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư Flying Fish; Ông Phan Đình Tuấn Anh, Founder Angel4us, nhà đầu tư thiên thần; Bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật; Ông Nguyễn Việt Đức, CEO Innovation Capital Management (ICM), với 5 chuyên đề, sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn