Chương trình tìm hiểu về quản trị tài sản trí tuệ
14-09-2021Các sản phẩm trí tuệ dưới dạng dữ liệu, thông tin, giải pháp (về quy trình hoặc về sản phẩm) và tri thức vừa là “nguyên liệu” của quá trình tư duy và đổi mới sáng tạo, vừa là sản phẩm đầu cuối của nhiều quy trình cung ứng dịch vụ, vừa là phương tiện hoặc công cụ phục vụ sản xuất và điều hành, vừa là tài sản hiện có hoặc sẽ hình thành trong tương lai trong các sách, chiến lược tài chính và đầu tư. Thực tiễn đó biến các tài sản trí tuệ đang ngày càng chiếm tỷ lệ ưu trội trong giá trị tổng tài sản của một tổ chức hoặc của một nhà chuyên môn và kích thích phát triển thị trường B2B đối với các kết quả R&D. Mặt khác, việc “sở hữu hóa” và “tài sản hóa” các sản phẩm trí tuệ để phục vụ kinh doanh lại cần vận dụng một cách đồng bộ pháp luật sở hữu trí tuệ với pháp luật về dân sự, thẩm định giá, kế toán, công nghệ thông tin, bảo vệ dữ liệu, tài sản công…
Để giới thiệu đến cộng đồng những kiến thức cơ bản về quản trị tài sản trí tuệ, trong suốt nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp với các đối tác tổ chức chương trình tìm hiểu về quản trị tài sản trí tuệ. Trong chương trình này, học viên sẽ được tìm hiểu các nội dung về quản trị tài sản trí tuệ thông qua 5 mô đun chính gồm:
Mô đun 1: Đây là mô đun giúp học viên nhận biết các tài sản trí tuệ trong thương mại, trong công nghiệp và trong các hoạt động R&D. Trong mô đun này các thành viên nghiên cứu sẽ cùng nhau tìm hiểu về vai trò sự phát sinh, sự xuất hiện, tác động của các sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm, giống cây trồng trong hoạt động thực tiễn của Trường Đại học, của Viện nghiên cứu và đặc biệt là của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đã nhận biết những nét đặc thù các dạng tài sản này trong hoạt động thực thì các thành viên nghiên cứu của chương trình sẽ tiếp tục xem xét các nội dung trong mô đun 2.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, trao Giấy Chứng nhận cấp độ Giám đốc TSTT
Mô đun 2: Nội dung của mô đun 2 nhằm giới thiệu về các thủ tục xác lập quyền các tài sản trí tuệ và bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ trong trường hợp trong môi trường cạnh tranh, trong môi trường nghiên cứu có phát sinh sự tranh chấp. Trên nền tảng đó, các học viên, thành viên nghiên cứu sẽ tham gia tìm hiểu về mô đun 3.
Mô đun 3: Nội dung của Mô đun 3 đề câp đến giao kết kinh doanh tài sản trí tuệ. Trong mô đun này cụ thể là tiến hành giao kết hoặc là bán đứt hay người ta gọi là chuyển nhượng hoặc là giao kết li xăng cấp quyền sử dụng đối với sáng chế, đối với nhãn hiệu, đối với các tác phẩm. Trong mô đun này học viên sẽ tìm hiểu về chuỗi các hoạt động thực tế. Thông qua đó khái quát thành những lý luận về giao kết li xăng đặc biệt là giao kết li xăng các tài sản trí tuệ.
Mô đun 4: Nội dung này hướng dẫn cho học viên cách thức tổ chức hoạt động quản trị các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, trong trường đại học, trong các hoạt động nghiên cứu mà cụ thể nhất là cách thức viết hay soạn thảo những điều lệ, những quy chế về sở hữu trí tuệ hoặc về quản trị tài sản trí tuệ ở trong tổ chức của mình.
Mô đun 5: Đây là mô đun cuối cùng của chương trình. Mô đun này cung cấp thêm một nhánh kiến thức chuyên về các khía cạnh tài chính của các tài sản trí tuệ bao gồm các khía cạnh như hạch toán tài sản trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ…để trở thành công cụ cần thiết trong quá trình kinh doanh các tài sản trí tuệ.
Chuỗi chương trình Quản trị tài sản trí tuệ với 57 clip sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong quản trị tài sản trí tuệ, tài sản vô hình của cá nhân cũng như tổ chức mà bạn đang công tác.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn