Giúp Startup chủ động trong việc tiếp cận và thực hiện các công việc pháp lý khi thành lập doanh nghiệp
01-07-2021Những nhà sáng lập các dự án khởi nghiệp kinh doanh thường chỉ lo chăm chút cho Startup của mình, không chú trọng đến các vấn đề liên quan đến luật pháp. Tại Việt Nam, việc phát triển ý tưởng mô hình kinh doanh thường phải gắn liền với việc thành lập doanh nghiệp. Nếu không xác định được chính xác hình thái tổ chức pháp lý phù hợp sẽ dẫn đến việc khó xác định được các yêu cầu chấp thuận, điều kiện kinh doanh, giấy phép, thuế tương ứng. Vì vậy, các nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu về các giới hạn pháp lý cho Startup của mình, các chấp thuận cần có từ cơ quan nhà nước. Hiểu được pháp lý khởi nghiệp, giúp Startup chủ động hơn trong việc tiếp cận và thực hiện các công việc pháp lý.
Những rủi ro pháp lý mà các Startup thường vướng phải
Theo Bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật, những rủi ro pháp lý mà các Startup thường vướng phải: (1) Bất cẩn trong thỏa thuận với cofounder; (2) Không quan tâm đến tài sản sở hữu trí tuệ; (3) Những rủi ro trong quá trình tìm kiếm mô hình kinh doanh; (4) Không cẩn trọng trong Pháp lý đối với nhà đầu tư.
Bất cẩn trong thỏa thuận với co-founder: không đảm bảo về mặt hình thức thỏa thuận; không xác định rõ vai trò và sự đóng góp của từng thành viên; không dự liệu đến việc khi dự án thất bại/thành công, ngừng hợp tác; phân định quyền đối với tài sản trí tuệ; bảo mật thông tin.
Startup cần phải quan tâm đến tài sản trí tuệ: Để tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của người khác và tránh bị người khác xâm phạm quyền SHTT của mình; Tiết kiệm nguồn lực khi có tranh chấp; Xác định đây là tài sản tồn tại trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Startup. Những tài sản liên quan đến quyền SHTT Startup cần quan tâm, đó là quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; Quyền đối với giống cây trồng…
Bên cạnh đó, Startup có những cách hiểu sai thường gặp như cho rằng thương hiệu là Nhãn hiệu/Logo; cho rằng Tên thương mại là Nhãn hiệu; chỉ xây dựng Thương hiệu/đăng ký nhãn hiệu khi thấy “Đã có giá”. Cần phân biệt:
Thương hiệu, là tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một công ty, sản phẩm, dịch vụ bao gồm: mô tả nhận diện (bao gồm cả nhãn hiệu chữ/Logo/Slogan); giá trị; thuộc tính; cá tính và quan hệ thương hiệu - người tiêu dùng. Ví dụ, thương hiệu Honda (chất lượng bền bỉ), Apple (sự sang trọng và tân tiến)…
Nhãn hiệu (marks), là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau; là đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật về SHTT.
Tên thương mại, tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Những rủi ro trong quá trình tìm kiếm, định hình mô hình kinh doanh: cần lưu ý pháp lý khi đưa sản phẩm ra dùng thử; giao dịch bán sản phẩm ra thị trường; bán hàng trên Website thương mại điện tử; thuế đối với thu nhập phát sinh; việc sử dụng lao động…
Pháp lý đối với nhà đầu tư : Thiết lập thỏa thuận với nhà đầu tư; cần phân chia lợi ích cũng như rủi ro khi dự án tạm ngừng. Các chỉ tiêu trong quá trình hợp tác; quyền quyết định, quản lý, điều hành dự án; xây dựng định hướng cho quá trình phát triển
Những vấn đề pháp lý cần quan tâm trong giai đoạn triển khai dự án
Về vấn đề pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, Startup cần thành lập doanh nghiệp để đáp ứng niềm tin khách hàng; đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư và tuân thủ quy định của pháp luật. Tùy theo loại hình công ty mà thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty cổ phần, Công ty hợp danh hay Doanh nghiệp tư nhân. Vốn điều lệ, Vốn pháp định; Cơ cấu tổ chức; …
Về nền tảng pháp lý doanh nghiệp, Startup cần nắm pháp lý trong quan hệ với cơ quan nhà nước (Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan quản lý về lao động, Cơ quan thuế, BHXH…); pháp lý trong quan hệ nội bộ; pháp lý trong quan hệ lao động; pháp lý trong giao dịch kinh doanh…
Pháp lý khởi nghiệp là chủ đề giúp các Startup chủ động hơn trong việc tiếp cận và thực hiện các công việc pháp lý khi thành lập doanh nghiệp.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu phổ biến kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn