(028)3.825.8857

Kiểu dáng công nghiệp

13-11-2022

Hàng ngày, hàng giờ xuất hiện rất nhiều sản phẩm mới trên thị trường. Việc thu hút khách hàng trong một thị trường giới hạn luôn là thử thách lớn, ngay cả đối với những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ hàng đầu. Do vậy, thương hiệu hay nhãn hiệu đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo sự quan tâm cho khách hàng. Nhưng, nhãn hiệu thường chỉ là hình thức bên ngoài, có thể gây ấn tượng đầu tiên cho khách hàng tiềm năng. Một kiểu dáng bắt mắt thường nhanh chóng chiếm được sự trung thành với thương hiệu.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), khoản 13, “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này”. Như vậy,  kiểu dáng công nghiệp nhìn chung là các yếu tố trang trí hoặc thẩm mỹ của sản phẩm. Kiểu dáng có thể bao gồm các đặc điểm ba chiều, như hình dạng và kết cấu của sản phẩm, hoặc các đặc điểm hai chiều như hình ảnh, ảnh chụp, hình vẽ, v.v. dựa trên đường nét và màu sắc.

Những doanh nghiệp có hiểu biết về kiểu dáng thường sử dụng kiểu dáng sản phẩm một cách triệt để vào quy trình phát triển sản phẩm của mình. Do vậy, các yếu tố thẩm mỹ luôn được cân nhắc, cùng với các yếu tố kỹ thuật của sản phẩm mới hoặc được cải tiến. Những doanh nghiệp này cũng bảo hộ hình dáng bên ngoài có tính phân biệt cho sản phẩm của họ thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Điều này là thực tế đối với một loạt sản phẩm, kể cả các sản phẩm công nghệ cao như xe hơi, máy giặt, điện thoại di động, v.v.. Đối với sản phẩm có kiểu dáng đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa chức năng

Kiểu dáng công nghiệp liên quan đến hàng loạt sản phẩm công nghiệp, thời trang và thủ công mỹ nghệ, từ các dụng cụ kỹ thuật và thiết bị y tế đến đồng hồ, đồ trang sức và các xa xỉ phẩm khác; từ sản phẩm gia dụng, sản phẩm nội thất và các thiết bị điện của xe hơi và công trình kiến trúc; từ kiểu dáng của sản phẩm dệt may đến các dụng cụ thể thao. Kiểu dáng công nghiệp cũng có vai trò rất quan trọng đối với bao bì sản phẩm. Trong những năm gần đây, ở nhiều nước, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đã được mở rộng cho cả các biểu tượng máy tính được tạo ra bởi ngôn ngữ máy tính, các giao diện điện tử trên màn hình máy tính, màn hình điện thoại di động và các sản phẩm tương tự.

Một kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ nếu kiểu dáng đó đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện sau theo Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009: có tính mới; có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Theo Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố: Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký; Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy công bố dưới dạng báo cáo khoa học; Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo khi căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng (Theo Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019).

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp khi có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp (Theo Điều 67 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019).

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp giúp cho việc kinh doanh có ý nghĩa khi kiểu dáng đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và mang lại thu nhập bổ sung theo một hoặc nhiều cách sau: Bằng việc đăng ký kiểu dáng, bạn có nhiều khả năng hơn để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép và bắt chước; và do đó, nâng cao vị thế cạnh tranh của bạn; Các độc quyền có được từ việc đăng ký kiểu dáng góp phần thu hồi các khoản đầu tư cho việc sáng tạo và tiếp thị sản phẩm có liên quan; do đó, nâng cao lợi nhuận của bạn;  Kiểu dáng công nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, có thể làm tăng giá trị thương mại của công ty và sản phẩm của họ. Kiểu dáng càng thành công thì giá trị của nó đóng góp cho công ty và thương hiệu càng cao; Một kiểu dáng được bảo hộ cũng có thể được chuyển nhượng quyền sử dụng (hoặc bán) cho người khác để thu phí. Bằng việc cấp quyền sử dụng đối với kiểu dáng, bạn có thể thâm nhập vào các thị trường mà theo cách thức bạn không thể; Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp khuyến khích hoạt động cạnh tranh công bằng và thương mại trung thực, cũng như thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.

Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có các quyền sau: Kiểu dáng công nghiệp trao cho chủ sở hữu độc quyền ngăn cấm việc sao chép hoặc bắt chước trái phép của bên thứ ba; Quyền của chủ sở hữu bao gồm quyền ngăn cấm người khác sản xuất, chào bán, đưa ra thị trường, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, bán hoặc lưu kho sản phẩm chứa kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nhằm các mục đích này.

Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự, chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn. Đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.