(028)3.825.8857

Xây dựng văn hoá và thực hành đổi mới sáng tạo ở khu vực công

10-11-2022

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự biến mất của nhiều tập đoàn công nghệ (Yahoo, Nokia…) song song đó là sự trỗi dậy của những startup mới nổi nhờ những chiến lược sáng tạo, đổi mới hiệu quả (Facebook, Amazon...). Việc “nuôi dưỡng” văn hoá đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy văn hoá này trong mỗi tổ chức sẽ giúp mang lại hiệu quả đột phá và bền vững.

Xây dựng phẩm chất tinh thần khởi tạo (entrepreneurial Spirit)

Để xây dựng văn hoá đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên là xây dựng phẩm chất tinh thần khởi tạo (tiếng Anh gọi là entrepreneurial Spirit). Để làm việc với tinh thần này, trong công việc hàng ngày của mình, chúng ta phải nhìn ra những gì chưa tốt, chưa hài lòng để tìm cách cải tiến, sáng tạo, đổi mới. Nếu chúng ta tự thoả mãn, tự hài lòng mà không sâu sát, không trách nhiệm sẽ không thể trăn trở để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy luôn tự đặt câu hỏi có cách nào làm tốt hơn, có cách nào làm nhanh hơn, có cách nào để tránh bị sai sót,…Đó chính là làm việc với tinh thần khởi tạo. Hãy luôn tập trung, nâng cao tinh thần trách nhiệm để nhìn thấy các cơ hội, cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả. Và khi có giải pháp phải hành động và đừng ngại thất bại. Đặc biệt là để xây dựng tinh thần khởi tạo ở đội ngũ chuyên viên thì lãnh đạo, quản lý cũng phải có tinh thần đó, khuyến khích tinh thần đó để mọi người tự tin đổi mới sáng tạo.

Xây dựng phương châm hợp tác đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo mở

Có thể nói một trong những hạn chế của chúng ta đó chính là tinh thần hợp tác chưa tốt. Trong khi đó, hoạt động đổi mới sáng tạo trên thực tế không đơn giản. Do vậy, rất cần sự hợp tác, kết hợp trong mọi giai đoạn, mọi lĩnh vực liên quan khác nhau để tìm ra phương án hiệu quả nhất. Mọi ý tưởng cần được chia sẻ để tham khảo và thậm chí là các thành viên nên tham gia để cùng đồng hành, cùng sáng tạo và áp dụng vào thực tế. Do vậy, để thực hiện đổi mới sáng tạo thành công thì mỗi chúng ta cần cởi mở hơn, tăng cường hợp tác phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Xây dựng phương pháp, kỹ năng thực hành đổi mới sáng tạo (teamwork, brainstorming, 5Whys, 5Ws1H, design thinking, lean startup,…)

Để thực hiện đổi mới sáng tạo, một trong những yêu cầu cần có là phải có phương pháp, kỹ năng thực hành đổi mới sáng tạo. Do vậy mà hiện nay trong cộng đồng khởi nghiệp các chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hầu như không phải là các giáo sư mà chủ yếu là các doanh nghiệp, những cá nhân đã có nhiều trải nghiệm thực tế trong hành trình khởi nghiệp. Với những trải nghiệm và phương pháp đa dạng, họ sẽ huấn luyện cho các startup phương pháp phát triển sản phẩm từ ý tưởng. Ví dụ hiện nay, có nhiều quận, huyện đang gặp phải rất nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ. Tuy nhiên khi các quận, huyện gặp gỡ chúng tôi và đề xuất hỗ trợ, họ lại gần như không mô tả được vấn đề theo đề xuất của chúng tôi. Chẳng hạn một trong những vấn đề mà rất nhiều các địa phương đang gặp khó khăn là báo cáo và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn. Các quận, huyện gần như không mô tả được rõ vấn đề. Do vậy, khi các chuyên gia, nhà khoa học muốn đồng hành để cùng giải quyết thì gặp rất nhiều khó khăn để đề xuất một mô hình phù hợp.

Các bước thực hành đổi mới sáng tạo ở khu vực công

Như vậy, sau khi đã xây dựng được văn hoá đổi mới sáng tạo, chúng ta thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua các bước như sau:

Bước 1: Phát hiện vấn đề. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng để đề xuất các giải pháp cũng như triển khai các bước ở giai đoạn sau.

Bước 2: Xây dựng ý tưởng, giải pháp. Sau khi đã xác định được vấn đề, chúng ta tiến hành đề xuất các mô hình giải pháp. Đây cũng là công đoạn đòi hỏi đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để mô hình có thể mang tính khả thi cao.

Bước 3: Ươm tạo giải pháp, thử & sai liên tục, học hỏi để hoàn thiện. Sau khi đã có mô hình giải pháp thì tiến hành làm thử, ứng dụng thử và sau đó tiếp tục quá trình thử, sai, sửa, hoàn thiện và phát triển, mở rộng quy mô.

Bước 4: Triển khai và tiếp tục học hỏi để cải tiến và phát triển. Sau khi đã có sản phẩm triển khai trên thực tế, vẫn tiếp tục học hỏi hoàn thiện để ngày càng cải tiến và phát triển sản phẩm thoả mãn nhu cầu người dùng.

Trên cơ sở 4 bước triển khai ở trên, mỗi đơn vị chúng ta cần nghiên cứu các nhóm nhiệm vụ bao gồm:

  1. Thành lập Tổ công tác tại mỗi đơn vị để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công của TP.HCM.
  2. Huấn luyện nâng cao năng lực cho tổ công tác thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
  3. Triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho một số lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.
  4. Triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo hàng năm trong hoạt động quản lý nhà nước được phân công tại các đơn vị.
  5. Thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố tham gia phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trong hoạt động đổi mới sáng phục vụ công tác quản lý nhà nước.
  6. Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung cho các Sở ban ngành và các cơ sở dữ liệu mở cho cộng đồng để hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
  7. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Chủ đề Đổi mới sáng tạo trong khu vực công được trình bày bởi ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là các công chức, viên chức có thêm kiến thức và nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo tại đơn vị. 

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.