(028)3.825.8857

Hướng dẫn chăn nuôi bê cái sữa làm giống

05-11-2022

Trong chăn nuôi bò sữa để tạo nền tảng vững chắc cho bò cái lấy sữa thì khâu chăm sóc, nuôi dưỡng giai đoạn từ sơ sinh đến phối lần đầu rất quan trọng. Bò sữa nước ta hiện nay có tỷ lệ máu HF (Holstein Friesian) ngày càng cao, gần như HF thuần nên cần có chế độ nuôi dưỡng thích hợp để bò phát huy hết tiềm năng di truyền. Vì vậy việc xác định được khẩu phần ăn phù hợp để đạt được bê cai sữa tốt làm nền tảng cho bò giống tốt là việc làm rất cần thiết.

Bò HF, ở nước ta thường được gọi là bò sữa Hà Lan, là giống bò chuyên sữa nổi tiếng thế giới được tạo ra từ thế kỷ thứ XIV ở tỉnh Fulixon của Hà Lan. Đây là nơi có khí hậu ôn hoà, mùa hè kéo dài và đồng cỏ rất phát triển. Bò HF không ngừng được cải thiện về phẩm chất, năng suất và hiện nay được phân bố rộng rãi trên toàn thế giới nhờ có khả năng cho sữa cao và cải tạo các giống bò khác theo hướng sữa rất tốt. Cũng chính vì vậy mà các nước thường dùng bò HF thuần để lai tạo với bò địa phương tạo ra giống bò sữa lang trắng đen của nước mình và mang những tên khác nhau.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi bê cái sữa làm giống

Ở nước ta, trước đây, thói quen của những nông hộ khi nuôi bê cái sữa làm giống thường cho ăn tự do và không theo dõi tăng khối lượng của bê cũng như khối lượng của thức ăn ăn vào. Do vậy, khi thực hiện mô hình sẽ tiêu tốn nhiều công lao động hơn so với thói quen chăm sóc, nuôi dưỡng theo phương thức truyền thống. Khả năng dân trí của một số nông hộ còn chưa cao nên khả năng tiếp thu thông tin, kiến thức về khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Kỹ thuật nuôi bê cái sữa làm giống được nghiên cứu và áp dụng đối với những hộ chăn nuôi bò sữa có sử dụng bê cái sữa làm giống. Đối tượng áp dụng là trên con bê cái sữa được nuôi với mục đích sử dụng làm giống. Với kỹ thuật nuôi này, các kết quả theo dõi hàng tháng của mô hình là bằng chứng quan trọng để chứng minh quy trình kỹ thuật được thực hiện đúng như các yêu cầu cần đạt được lúc ban đầu. Các hộ mô hình chăm chỉ, ham học hỏi về kiến thức, kinh nghiệm. Qua đó sẽ cho kết quả chăn nuôi hiệu quả.

Theo đó, để triển khai mô hình phải đảm bảo những điều kiện cơ bản của một chuồng nuôi chăn nuôi bê, đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống; Quản lý bê bằng phiếu cá thể, có biểu bảng và sổ sách ghi chép chi tiết các công việc đã thực hiện; Theo dõi sức khỏe của bê hàng ngày để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời tránh để xảy ra trường hợp phát hiện quá muộn không thể cứu chữa; Tắm rửa gia súc và vệ sinh chuồng trại: 2 lần/ngày; Tiêm phòng định kỳ một số bệnh truyền nhiễm: tụ huyết trùng, lở mồm long móng (tháng 4 và tháng 10 hàng năm); Sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh: 1 lần/tháng (mùa khô) và 2 lần/tháng (mùa mưa) bằng Novacid 0,3% hoặc các thuốc sát trùng khác. Các loại thức ăn cung cấp luôn đảm bảo chất lượng tốt.

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê sau cai sữa đến phối giống lần đầu phải đảm bảo chất lượng thức ăn và nhu cầu dinh dưỡng. Các nông hộ cần thực hiện cân hoặc đo bê hàng tháng làm căn cứ xây dựng khẩu phần. Cho ăn theo đúng khẩu phần của từng giai đoạn tuổi và khối lượng. Trong quá trình chăm sóc cần lưu ý không để bê quá mập sẽ làm giảm sự phát triển các mô sữa tuyến vú đồng thời tẩy ký sinh trùng đường ruột lúc 7 - 8 tháng tuổi. Các nông hộ cần theo dõi, phát hiện động dục lần đầu lúc 9 - 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó cần tăng cường quan sát, phát hiện động dục kịp thời. Bê được phối giống lần đầu lúc 16 - 17 tháng tuổi, khối lượng cơ thể đạt 280-300 kg. Các nông hộ cần chú ý quan sát các biểu hiện động dục sau khi phối (nếu có) và thực hiện khám thai 60 - 70 ngày sau phối.

Mặc dù chi phí của mô hình cao hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống nhưng tăng trọng của bê con cũng cao hơn vì vậy khi tính về giá trị kinh tế thì mô hình có lợi nhuận cao hơn so với phương thức truyền thống. Bên cạnh đó, tuổi phối giống lần đầu và khả năng phối đậu của mô hình cũng cao hơn từ đó nâng cao thêm giá trị lợi nhuận của hộ mô hình.

Quy trình kỹ thuật của mô hình được áp dụng rộng rãi trong những hộ chăn nuôi bò cái lấy sữa hoặc những hộ chuyên nuôi bê cái hướng sữa làm giống để cung cấp con giống cho các hộ khác. Mô hình giúp tăng hiệu quả kinh tế hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống, ngoài ra còn đem lại nhiều lợi ích khác như tuổi phối giống lần đầu thấp, khả năng phối đậu cao, thể trạng khỏe mạnh và cho năng suất, chất lượng sữa tốt.

Chủ đề Mô hình chăn nuôi, với 18 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăn nuôi.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.