Quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất
04-11-2022Đối với bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào, bên cạnh việc tập trung cho công tác sản xuất, bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng…một nội dung không kém phần quan trọng đó chính là quản trị rủi ro, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất. Hoạt động quản trị rủi ro khi được kiểm soát tốt sẽ có thể không ngăn được các điều tồi tệ xảy ra. Nhưng khi những điều tồi tệ xảy ra, quản trị rủi ro tốt đã được dự báo nên sẽ giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của chúng rất nhiều.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, rủi ro có thể xảy ra ở mọi bộ phận, lãnh vực chuyên môn, cá nhân và hoạt động trong tổ chức. Do vậy, mọi người đều có trách nhiệm tham gia. Và trách nhiệm quản trị rủi ro thường chúng ta không thể chuyển giao hoặc thuê ngoài, mà đây là trách nhiệm và công việc của nội bộ mỗi công ty, mỗi đơn vị. Các doanh nghiệp thường sử dụng các công cụ như phân tích an toàn lao động, quy trình kiểm soát, sự thay đổi sản phẩm / chiến lược, nghiên cứu / tài sản trí tuệ để kiểm soát, loại bỏ hay giảm rủi ro. Để kiểm soát được rủi ro, trước hết mỗi doanh nghiệp cần nhận định được các loại rủi ro như: rủi ro chất lượng, rủi ro tài chính, rủi ro dữ liệu, rủi ro nhân sự, rủi ro chính sách/pháp luật, rủi ro thiên tai, rủi ro chiến lược, rủi ro trong hoạt động hàng ngày, rủi ro pháp lý, rủi ro tài chính, rủi ro thị trường…
Rủi ro chiến lược
Để nhận diện rủi ro chiến lược trong các doanh nghiệp sản xuất, cần trả lời các câu hỏi như: Liệu có những thay đổi tiềm tàng trên thị trường, quy định pháp luật/chính sách, điều kiện tự nhiên trong tương lai không (xác định các khoảng thời gian nhất định)?; Liệu có khả năng xuất hiện những sản phẩm mới làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng không?; Sự phát triển về công nghệ, năng lực sản xuất/dịch vụ có đe doạ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không?; Có khả năng gia tăng các chi phí vốn sản xuất không?; Đã có một quy trình/kế hoạch chuẩn/chính thức về quản lý/dự phòng những thay đổi tiềm tàng trên thị trường, quy định pháp luật/chính sách, điều kiện tự nhiên trong tương lai không?; Có kế hoạch về phát triển sản phẩm mới cho kế hoạch ngắn hạn và dài hạn không?; Có các hoạt động nghiên cứu về công nghệ, năng lực sản xuất/dịch vụ để đối phó với những phát triển của thị trường/đối thủ cạnh tranh không?; Có các kế hoạch/hoạt động kiểm toán giám sát chi phí tài chính không…
Rủi ro trong hoạt động hàng ngày
Đối với loại rủi ro này, cần trả lời các câu hỏi như: Liệu doanh nghiệp có những quyết định bất thường mà ảnh hưởng tới kinh doanh không?; Liệu có khả năng xảy ra các sự cố bất khả kháng không (như hỏng máy tính đe doạ mất dữ liệu, cháy, nổ, mất trộm, nhân viên nghỉ đột xuất…)?; Liệu có khả năng thiếu hụt tiền mặt cho hoạt động kinh doanh hàng ngày không?; Doanh nghiệp có những cơ chế/chính sách/quy chế để yêu cầu các quyết định về kinh doanh được ban hành phải có tính hợp lý không?; Doanh nghiệp có các biện pháp/kế hoạch quản lý dòng tiền để dự phòng rủi ro về thiếu hụt tài chính không?; Doanh nghiệp có các dự phòng về công nghệ không?; Có các kế hoạch dự phòng rủi ro đối với sự tăng giảm giá chứng khoán chưa (đối với công ty niêm yết)…
Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý cần đặt ra những câu hỏi: Liệu các hợp đồng mà doanh nghiệp ký kết có gây bất lợi cho doanh nghiệp trong giao dịch không?; Hoặc gây khó trong việc thực hiện hợp đồng không?; Hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp sản xuất liệu có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty khác không?; Hoặc có bị doanh nghiệp khác xâm phạm không?; Liệu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có bị vi phạm vào các quy định pháp lý không?; Liệu các sản phẩm/dịch vụ của công ty có khả năng gây hậu quả bất thường cho người tiêu dùng/người sử dụng không?; Doanh nghiệp đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chưa?; Doanh nghiệp có các kế hoạch về bảo hộ thương hiệu/quyền sở hữu trí tuệ của mình chưa?; Doanh nghiệp có các biểu mẫu, tiêu chí, quy trình về soạn thảo các hợp đồng không?; Doanh nghiệp có rà soát thường xuyên các quy định pháp lý mới không?; Doanh nghiệp có các hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất về chất lượng sản phẩm không?; Có lưu giữ các mẫu sản phẩm không?...
Để có thể thực hành tốt việc quản trị rủi ro, các doanh nghiệp cần tuân thủ theo 4 nguyên tắc: Không chấp nhận các rủi ro không cần thiết; Ra các quyết định rủi ro ở cấp thích hợp; Chấp nhận rủi ro khi lợi ích nhiều hơn chi phí; Kết hợp quản trị rủi ro vào vận hành và hoạch định ở mọi cấp.
Sau khi đã nhận diện và phân loại được các loại rủi ro, doanh nghiệp sẽ thực hiện quy trình quản trị rủi ro gồm:
1.Nhận dạng tất cả các sự kiện rủi ro liên quan có thể cản trở việc đạt các mục tiêu đề ra;
2.Đánh giá từng rủi ro dựa trên xác suất và ảnh hưởng, rồi xếp hạng ưu tiên từ cao xuống thấp;
3.Đánh giá các biện pháp kiểm soát cho từng rủi ro theo hiệu quả/ chi phí;
4.Xử lý từng rủi ro – bắt đầu từ ưu tiên cao nhất;
5.Truyền đạt chiến lược quản trị rủi ro đến tổ chức;
6.Giám sát các sự cố và các chỉ báo phát sinh rủi ro tiềm năng khác;
7.Định kỳ xem lại chiến lược quản trị rủi ro.
Chủ đề Năng suất chất lượng do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về năng suất chất lượng để áp dụng vào cuộc sống và công việc của mỗi cá nhân, tổ chức.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.