(028)3.825.8857

Ba đặc trưng cơ bản của đổi mới sáng tạo

25-09-2022

Ngày nay, hoạt động đổi mới sáng tạo được chú trọng và diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có khu vực công. Đổi mới sáng tạo của khu vực công có những nét riêng và có tác động mang tính dẫn dắt, lan toả cũng như thúc đẩy khu vực tư phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Cùng với thuật ngữ “cách mạng 4.0”, “chuyển đổi số” “đô thị thông minh”…thì “đổi mới sáng tạo” là cụm từ được rất nhiều cá nhân, tổ chức đề cập đến trên nhiều khía cạnh trong những năm gần đây. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng như Nghị quyết của thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” cũng được nhắc đến rất nhiều lần. Mặc dù vậy, mỗi chúng ta dường như có cách hiểu khác nhau về “đổi mới sáng tạo”. Những cách hiểu này không sai nhưng có thể chưa đầy đủ hoặc chưa giống nhau do vậy trước tiên chúng ta cùng nhau làm rõ khái niệm ‘đổi mới sáng tạo” để từ đó cùng chung một cách tiếp cận. Trên cơ sở đó chúng ta tìm hiểu về đổi mới sáng tạo trong khu vực công là gì và vì sao cần phải thực hiện đổi mới sáng tạo trong khu vực công, cũng như vì sao Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải ban hành các kế hoạch về đổi mới sáng tạo…Sau khi nắm rõ, chúng ta mới có thể có những hoạt động hiệu quả về đổi mới sáng tạo trong khu vực này. Bởi hiện nay việc triển khai đổi mới sáng tạo còn khá lúng túng, nhất là những nơi thực thiện mô hình chính quyền đô thị.

Đổi mới sáng tạo, có rất nhiều định nghĩa, nhưng chúng ta có thể hiểu là cá nhân, tổ chức mình đang gặp vấn đề gì, hoặc trong nhiệm vụ mình đang thực hiện cho cộng đồng, cho xã hội đang có vấn đề gì mà mình rất trăn trở, cách làm cũ không còn phù hợp…Do đó, nó phải xuất phát điểm từ việc mình đang muốn giải quyết một vấn đề cụ thể nào. Từ những khó khăn, những bài toán đó mới trăn trở, tư duy sáng tạo để tìm kiếm giải pháp. Do vậy, trong khái niệm đổi mới sáng tạo có thể tổng kết lại thành 3 đặc trưng:

Tạo ra cái mới hoặc cải tiến đáng kể

Thứ nhất là tạo ra cái gì đó mới hoặc có sự cải tiến rất đáng kể. Mới ở đây là so với cái đã có, chẳng hạn ở những nước khác, khu vực khác đã làm rồi nhưng nếu mình học hỏi, chỉnh sửa để áp dụng hiệu quả trong trường hợp cụ thể của mình thì vẫn được xem là tạo ra cái mới.

Triển khai thực tế

Đặc trưng thứ hai là phải áp dụng vào thực tế. Nghĩa là khi bạn có vấn đề, bạn tìm được giải pháp sáng tạo thì bạn phải áp dụng vào thực tế, cần phải phối hợp, kết hợp với các đầu mối để cùng triển khai trên thực tế và hoàn thiện được giải pháp mà mình đã nghĩ ra. Nếu ý tưởng sáng tạo của bạn không được triển khai trên thực tế thì không có sự đổi mới sáng tạo nào mà chỉ là ý tưởng, lý thuyết chung chung.

Mang lại giá trị cho xã hội

Đặc trưng thứ ba là giải pháp sau khi áp dụng có sự lan toả và mang lại lợi ích cho xã hội. Xã hội ở đây chính là người dân, khách hàng, tổ chức hay cũng chính là các nhân viên trong từng dây chuyền, nghiệp vụ của mình. Ví dụ có những người nông dân tạo ra máy bay, tạo ra tàu ngầm, tạo ra xe chạy bằng điện... Họ có hỏi tôi vì sao không hỗ trợ họ …Trong trường hợp này có phải là đổi mới sáng tạo không? Ở đây, chúng ta thấy rằng, họ có sự sáng tạo nhưng việc áp dụng vào thực tế và mang lại giá trị cho xã hội đã đạt chưa? Nếu tôi giúp đỡ họ, kết nối họ với hãng hàng không Việt Nam, hãng sẽ mua máy bay này và bán vé, vậy có bao nhiêu người mua vé để di chuyển bằng máy bay này? Luật khoa học công nghệ cũng như các chủ trương chính sách đều khuyến khích cả xã hội, từ nhà khoa học đến người nông dân, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện sáng tạo. Nhưng câu chuyện đổi mới sáng tạo là một câu chuyện khác. Vì các bạn thấy rằng nếu anh nông dân nào đó chế được xe điện thì anh Phạm Nhật Vượng của Vinfast đã đến mua bản quyền ngay để sản xuất xe điện. Một chiếc máy bay hiện nay là công trình nghiên cứu hàng trăm năm với rất nhiều nước tham gia ở từng chi tiết nhỏ. Việc mỗi người yêu thích sự sáng tạo là rất khuyến khích nhưng để áp dụng vào thực tế và đưa ra thị trường, được mọi người tin dùng và mua sử dụng là một câu chuyện khác. Do vậy đổi mới sáng tạo cần phải đáp ứng đủ 3 đặc trưng trên. Nếu một cá nhân hoặc tổ chức nào đó có ý tưởng nhưng chỉ nói mà không làm hoặc có làm nhưng không ai dùng thì cũng không có ý nghĩa. Vì vậy, trong hành trình sáng tạo của mình, chúng ta cần cố gắng để có được sản phẩm và sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Chủ đề Đổi mới sáng tạo trong khu vực công được trình bày bởi ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là các công chức, viên chức có thêm kiến thức và nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo tại đơn vị.  

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.