Vai trò của bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
05-09-2022Đây là một trong những nội dung giúp cho chúng ta nắm được kiến thức về kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ biết được vì sao phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời, nội dung này cũng góp phần giúp chúng ta biết cách gìn giữ bảo vệ tài sản trí tuệ (cụ thể là kiểu dáng công nghiệp) của cá nhân, tổ chức mình. Qua đó lan toả và tuyên truyền đến đồng nghiệp, bạn bè, cộng đồng cùng nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển và khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức cũng như tôn trọng các quyền tài sản trí tuệ của các cá nhân, tổ chức khác.
Cơ sở pháp lý bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Về cơ bản hệ thống cơ sở pháp lý nước ta tương đối hoàn thiện, trước hết được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013: Dưới Hiếp pháp có Bộ luật Dân sự, trong đó có những chương quy định một số điều rất căn bản. Dưới Bộ luật Dân sự có Luật Sở hữu trí tuệ. Ở Luật này tập trung đầy đủ nhất các quy định về đối tượng bảo hộ, cách thức bảo hộ, mối quan hệ qua lại giữa đối tượng và chủ thể cũng như các bên thứ ba. Bên cạnh đó còn có các pháp luật liên quan khác như: hình sự, cạnh tranh, hải quan…Dưới Luật Sở hữu trí tuệ có các văn bản như các Nghị định của chính phủ, các hệ thống thông tư để hướng dẫn thi hành luật một cách rõ nhất.
Ngoài ra, đối với các hệ thống pháp luật quốc tế, chúng ta tuân thủ các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Và trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chúng ta đã là thành viên của công ước Paris về bảo hộ trí tuệ. Và khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới thì một trong những văn bản rất quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ đó là hiệp định Trips. Đây là những điều ước quốc tế song phương.
Kiểu dáng công nghiệp
Theo Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Trong định nghĩa này, khái niệm “sản phẩm” ở đây được hiểu là sản phẩm do con người tạo ra. Đó chính là các đồ vật, thiết bị, dụng cụ ở mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp tới thuỷ hải sản, hàng tiêu dùng…Và những sản phẩm này có kết cấu, chức năng nhất định (khác với tác phẩm). Bên cạnh đó, do đây là sản phẩm do con người tạo ra nên nó được sản xuất và lưu thông độc lập. Sản phẩm ở đây không phải là những thứ sẵn có trong tự nhiên như chim, cá, cây…Sản phẩm ở đây chúng ta cũng có thể hiểu là toàn bộ sản phẩm hoặc từng bộ phận của sản phẩm vì trên mỗi một sản phẩm có thể gồm nhiều bộ phận có thể lưu thông độc lập. Việc phân biệt từng bộ phận sản phẩm hoặc sản phẩm nó sẽ liên quan đến chuỗi giá trị phía sau. Hay đó chính là việc nhà nước bảo hộ sản phẩm hay từng bộ phận để tăng giá trị bảo hộ tối đa cho sáng tạo của tác giả. Bởi vì trong một sản phẩm không phải lúc nào cũng có sự sáng tạo hoàn toàn tất cả các bộ phận mà sẽ có những bộ phận kế thừa.
Vì sao chúng ta phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Trong quá trình tiến hoá của mình, loài người luôn luôn lao động và sáng tạo. Và những người có trí óc sáng tạo luôn luôn có những lợi thế. Để đảm bảo tính công bằng, chính phủ đã tạo ra những quy định, luật về bảo vệ và gia tăng giá trị cho những người đã tốn thời gian, công sức sáng tạo ra những giá trị, sản phẩm cho xã hội. Vị dụ sáng tạo ra kỹ thuật, giải pháp, quy trình thì được bảo hộ bằng sáng chế, sáng tạo ra sản phẩm thì bảo hộ bằng kiểu dáng công nghiệp, sáng tạo ra một dấu hiệu nào đó để phân biệt hàng hoá thì bảo hộ bằng nhãn hiệu, sáng tạo nghệ thuật đơn thuần thì bảo hộ bằng quyền tác giả…Khi tác giả sở hữu bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, nhà nước sẽ bảo hộ và chống lại mọi sự xâm phạm ăn cắp, hàng giả, hàng nhái…Kiểu dáng công nghiệp lôi cuốn khách hàng bởi chính hình dáng bên ngoài của nó. Khi tham gia thị trường nó sẽ làm gia tăng giá trị sản phẩm. Bởi vậy khi được nhà nước bảo hộ, giá trị gia tăng từ kiểu dáng đó sẽ không bị ăn cắp, sao chép.
Chủ đề Quản trị tài sản trí tuệ, với 57 chuyên đề, do Tiến sỹ Đào Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các cộng sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.