Quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm bào ngư
31-08-2022Nấm Bào Ngư được khuyến khích trồng nhiều ở các nước đang phát triển nhằm tạo nguồn thực phẩm bổ sung, đồng thời giải quyết các phế liệu nông lâm nghiệp để tránh ô nhiễm, làm giàu chất hữu cơ cho đất.
Nấm Bào Ngư là loài nấm dễ trồng cho năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao. Mặc dù đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, nấm Bào Ngư cho thu hoạch liên tục trong vòng 4 tháng. Từ khi trồng cho tới khi thu hoạch mất khoảng 70 ngày. Cứ 10 ngày, nấm cho thu hoạch 1 lần, hơn nữa có thể điều chỉnh được sự ra quả thể của nấm theo nhu cầu thị trường. Đối với những gia đình có diện tích nuôi trồng lớn, đó là một lợi thế lớn để có thể ngày nào cũng cho sản lượng nấm Bào Ngư tương đương nhau. Hiện tại, nấm Bào Ngư trên thị trường có giá giao động từ 25.000 – 45.000 đồng/kg. Vào những ngày cao điểm như cuối tuần hoặc lễ, tết giá nấm thành phẩm có thể lên tới 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, sau khi thu hoạch có thể tận dụng bịch phôi nấm để trồng nấm rơm. Vì thế, quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm Bào Ngư có tiềm năng lớn để chuyển giao.
Chu trình sinh sản của nấm Bào Ngư điển hình cho các nấm đảm (Basidomycetes). Mỗi đảm bào tử nảy mầm và cho một sợi tơ sơ cấp đơn bội (n nhiễm sắc thể). Nó có thể sinh sản vô hạn bằng cách kéo dài ở đầu, tạo nhánh. Những sợi tơ sơ cấp này sẽ bất thụ tức không tạo ra quả thể nếu nó không được kết hợp với một sợi tơ sơ cấp có giới tính khác. Nghĩa là phải có sự kết hợp giữa sợi tơ "đực" với sợi tơ sơ cấp "cái" thì mới tạo ra quả thể (tai nấm) được.
Cơ chất dùng để trồng nấm Bào Ngư rất đa dạng. Nấm Bào Ngư được trồng trên các loại cây gỗ, sau đó là cùi, thân bẹ bắp, rơm rạ lúa mì, lúa mạch, lúa nước, nhiều loại mùn cưa, thân vỏ cây đậu…và cho năng suất cao hơn các loại nấm khác.
Phần lớn các cơ chất đều chứa nguồn carbon là cellulose. Tuy nhiên, ở đa số lượng cellulose ít hơn 50%, phần còn lại là lignin, hemicellulose và tro (các chất khoáng). Một số cơ chất còn có một lượng đáng kể tinh bột, protein và các phân tử nhỏ. Các phân tử nhỏ dễ làm thức ăn cho các vi sinh vật. Một mặt nấm Bào Ngư sử dụng được các chất trên, mặt khác các phân tử nhỏ dễ gây nhiễm bởi các vi sinh vật.
Nấm Bào Ngư sử dụng chủ yếu là lignin. Khi nấm Bào Ngư mọc trên gỗ, gỗ trở nên trắng. Thí nghiệm đo hàm lượng lignin khi trồng nấm Bào Ngư cho thấy sự giảm lignin tương ứng với thời gian ra quả thể. Đạm rất quan trọng cho sự tăng trưởng của tất cả các sinh vật, gỗ chết rất nghèo đạm nhưng nấm Bào Ngư vẫn mọc tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy urê có tác dụng tốt nhất cho sự tăng trưởng của nấm Bào Ngư.
Nhiều loài nấm Bào Ngư có khả năng chịu đựng được sự dao động của pH. Có loài nấm Bào Ngư lúc trồng pH ban đầu 5 - 6,5, sau đó giảm xuống 4,4 - 5,6 vẫn cho sản lượng tối đa. Mỗi loài nấm Bào Ngư thích hợp với một pH giới hạn nhất định nhưng nhìn chung, pH thích hợp nhất cho nấm Bào Ngư trong khoảng 5,0 - 6,8.
Về nhiệt độ, nấm Bào Ngư mọc tốt ở nhiệt độ ôn đới và nhiệt đới. Nấm Bào Ngư ra quả thể trong một giới hạn nhiệt độ khá rộng. Tuy nhiên, nhiệt độ có ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng nấm. Các loài nấm Bào Ngư có nhiệt độ tối ưu ra quả thể thấp (20oC). Nhìn chung, nhiệt độ thích hợp cho sự tăng trưởng của hệ sợi tơ khoảng 25 - 30oC và cho ra quả thể trong khoảng 15 - 25oC.
Độ ẩm là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nấm. Độ ẩm có liên quan đến nhiệt độ và cả độ thoáng khí. Do đó, việc đo độ ẩm chính xác gặp khó khăn.
Ánh sáng không có lợi cho sự phát triển sợi tơ nên trong giai đoạn ủ thường để meo trong tối. Sự hình thành các nụ nấm (primordia) Bào Ngư tăng dần với cường độ ánh sáng đến 2000 lux và sau đó giảm dần. Cường độ ánh sáng yếu làm chân nấm dài ra, mũ nấm hẹp nên tỉ lệ phần trăm giữa chân nấm so với mũ nấm tăng. Cường độ ánh sáng quá mạnh sẽ làm ngăn cản việc hình thành nụ nấm.
Nhà trồng nấm Bào Ngư có nhiều kiểu khác nhau, tùy theo điều kiện cụ thể về mặt bằng hoặc nhà đã có sẵn. Nhà phải thông thoáng, chiếu sáng (trong nhà nhìn rõ) và giữ độ ẩm tốt khi cho ra nấm. Nếu ủ trong nhà trồng thì không cần sáng. Giàn kệ và trụ treo bịch phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch.
Một số kiểu nhà trồng nấm Bào Ngư
Nấm Bào Ngư đặc biệt nhạy cảm với một số tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt không nên dùng sulfotep (bladafum) để xử lí môi trường trồng vì nó gây nên sự biến dạng của mũ nấm và ngừng tạo quả thể. Do tính nhạy cảm người ta có thể coi nấm Bào Ngư như một sinh vật chỉ thị về ô nhiễm không khí.
Nấm Bào Ngư cũng giống như nhiều sinh vật khác có khả năng tích tụ nhiều chất nằm trong môi trường dinh dưỡng cụ thể là các kim loại nặng. Cần phải kiểm tra chất lượng của rơm rạ đem sử dụng và tránh cho cơ chất khỏi bị nhiễm các thuốc trừ sâu bệnh là những thứ sẽ xâm nhập vào quả thể nấm. Rơm rạ lúa đem trồng nấm cần phải ngâm lâu để rửa trôi các chất trên. Trồng nấm Bào Ngư bằng phương pháp khử trùng không triệt để hoặc hấp Pasteur thì trong cơ chất còn nhiều vi sinh vật, trong đó có những vi sinh vật có lợi. Nhược điểm lớn nhất của nấm Bào Ngư là phóng thích một số lượng lớn đảm bào tử. Nhiều người trồng và thu hái nấm Bào Ngư bị bệnh với các triệu chứng mệt mỏi, có những vết đỏ ở tay, tiếp theo ho và sốt đến 390C. Triệu chứng bệnh kéo dài một hai ngày và biến mất mà không cần dùng thuốc.
Trong mô hình này, nấm Bào Ngư sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn đối với người sản xuất và người sử dụng. Công nghệ áp dụng trong mô hình là công nghệ sản xuất bán tự động, ít tốn nhân công và sử dụng lò hấp bằng điện năng thay vì củi góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường so với sản xuất thủ công truyền thống.
Chủ đề Mô hình trồng trọt, với 23 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăm sóc và trồng các giống cây.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.