Kỹ thuật trồng, chăm sóc chôm chôm và quản lý vườn phục vụ khách du lịch
30-08-2022Chôm chôm là cây thân mộc to, lá xanh quanh năm, có thể cao tới 25m, đường kính gốc tới 60cm. Tuy nhiên, trong trồng trọt bằng cây ghép thường kích thước nhỏ hơn, chỉ cao 8-10 m. Các vùng đồng bằng châu Á nhiệt đới là nơi phù hợp cho việc trồng và phát triển cây chôm chôm.
Ở Đông Nam Á cây chôm chôm phân bố ở một số quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Philippinnes. Ngày nay được trồng trong vùng có vĩ độ từ 15° nam tới 15° bắc gồm châu Phi, châu Đại Dương, Trung Mỹ và đặc biệt càng ngày càng gia tăng ở Úc châu và quần đảo Hawai.
Chôm chôm là loài cây có thể trồng từ xích đạo cho đến vĩ tuyến 18o nhưng thường để kinh doanh có hiệu quả thì nên trồng đến vĩ tuyến 14o, độ cao thích hợp từ 0 - 700 m, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 - 5000 mm, nhiệt độ bình quân từ 22oC - 30oC, nghĩa là nên trồng ở các tỉnh miền Nam, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Chôm chôm được trồng tập trung ở các tỉnh miền Nam Trung bộ của nước ta, với diện tích khoảng 14.200 ha, sản lượng xấp xỉ 100 ngàn tấn (chiếm khoảng 42% diện tích và 62% sản lượng chôm chôm cả nước). Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng chôm chôm tập trung lớn nhất, sau đó là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long….
Cây chôm chôm trồng bằng hạt mất khoảng 6 năm mới ra hoa, chúng phân tính mạnh thành 3 dạng: cây đực chỉ có hoa đực chiếm 40-60% số cây, cây hoa lưỡng tính hoạt động như hoa cái và cây cho hoa lưỡng tính trong đó một số hoạt động như hoa cái, số còn lại hoạt động như hoa đực trên cùng một cây. Ngày nay ở nước ta nhà vườn chủ yếu trồng chôm chôm bằng cây ghép, chỉ khoảng 3 năm là ra hoa. Phát hoa là chùm tụ tán mọc ở chót nhánh hoặc ở mầm nách gần đầu cành, dài 15-30cm. Mỗi phát hoa (chùm) có thể có tới 3.000 hoa. Hoa đực, cái và một ít hoa lưỡng tính xuất hiện trên cùng một cây. Hoa nhỏ, rộng 2,5-5 mm, đài có 4-6 tai, không cánh hoa, 5-8 tiểu nhị, noãn sào 2 ngăn; hoa đực có thể nở 500 hoa/ngày, hoa lưỡng tính nở độ 100 hoa/ngày. Tuy nhiều hoa, song tỷ lệ hoa tự thụ rất thấp, tỷ lệ ngoại hoa thụ phấn rất cao. Tỷ lệ thụ từ 1 đến 3%; đối với giống chôm chôm “Seechompoo” tỷ lệ thụ chỉ độ 0,54%, do vậy một chùm khi thu hoạch chỉ có khoảng 10-20 quả.
Ở Việt Nam, việc lai tạo hoặc chọn cây ưu tú từ các giống nhập đều chưa được thực hiện. Trong nước, có các quần thể sau: Chôm chôm Java, Chôm chôm nhãn, Chôm chôm Rongrien, Chôm chôm đường, Chôm chôm dính.
Cây chôm chôm đạt chuẩn
Chôm chôm thích hợp ở nhiệt độ 22-300C, khi nhiệt độ trên 400C thì cây rụng hoa, rụng quả rất nhiều. Nhiệt độ dưới 220C thúc đẩy cây ra đọt do đó chôm chôm chậm ra hoa.
Lượng mưa hàng năm trên 2.000 mm, phân bố đều trong năm thích hợp cho chôm chôm phát triển. Nếu lượng mưa đầu mùa nhiều làm màu sắc vỏ quả không đẹp và gây hiện tượng nứt quả trên chôm chôm cho quả sớm, nhất là giống chôm chôm có vỏ quả mỏng. Cây cần khô hạn khoảng 1 tháng để hình thành mầm hoa, nếu mưa nhiều chỉ kích thích ra lá. Nhưng khô hạn vào thời kỳ thụ phấn, thụ tinh hoặc quả phát triển thì quả rụng nhiều, quả nhỏ, ảnh hưởng đến phẩm chất quả, nên cây cần được tưới nước bổ sung. Khi còn nhỏ chôm chôm ưa bóng râm, lúc lớn thì chịu trảng. Ánh sáng có ảnh hưởng tới sự chuyển biến màu của vỏ quả, quả ở ngoài sáng đỏ tươi, đẹp hơn quả ở chỗ rợp do sắc tố anthocyanin mẫn cảm với cường độ ánh sáng. Chôm chôm được coi là cây không bị ảnh hưởng của quang kỳ. Chôm chôm trồng được trên nhiều loại đất như phù sa ven sông (ĐBSCL), đất đỏ latosol (Đồng Nai), đất xám (Tây Ninh), chúng không mọc được trên đất bị nhiễm mặn. Độ pH thích hợp khoảng 5,5-6,5. Đất cần được thoát nước tốt.
Để triển khai mô hình cần thực hiện đào mương lên liếp. Vùng ĐBSCL thiết kế vườn có mương liếp. Kích thước thay đổi tuỳ theo độ cao của đất và loại đất. Mương rộng khoảng 2m, chiều sâu mương 1 – 2m, líp đơn rộng 4 – 5m và líp đôi 8 – 10m, trên mặt líp đôi có rãnh thoát nước giữa mặt líp. Lên líp theo kiểu cuốn chiếu, theo dãy hoặc theo mô… luôn giữ tầng đất mặt lên trên. Vùng miền Đông Nam Bộ cần phân lô hoặc thiết kế mặt líp phù hợp theo độ dốc, bố trí hệ thống mương, rãnh, ngăn giữ nước và thoát nước. Đê bao ngăn, giữ nước có độ cao cao hơn đỉnh lũ cao nhất hàng năm là 30cm, bề rộng đê bao tuỳ thuộc vào đê bao cho từng vườn hay khu vực, loại đất… cho thích hợp. Bố trí cống, đập, hồ giữ và thoát nước, hệ thống ống dẫn nước tưới và phương tiện bơm tưới…theo qui mô sản xuất. Tùy theo thể đất cao hay thấp mà thiết kế vườn. Nếu đất thấp phải lên liếp và đắp bờ bao có cống bọng để điều chỉnh mặt nước trong vườn. Nếu liếp chưa đủ cao thì người ta còn làm mô nổi trên liếp và trồng cây trên mô, như vậy chỉ cần khoét một lỗ nông, rải 0,5 kg vôi canh nông xuống đáy hố, bón lót chừng 10 kg phân hữu cơ, 0,2 kg phân lân, rải thuốc trừ sâu dạng hạt để phòng sùng đất. Sau khi đặt cây, hàng năm vun mô to ra và bồi bùn mỏng cho liếp cao dần.
Trên đất cao ráo không sợ úng thì người ta trồng bằng mặt đất hay hơi âm, quanh gốc làm một cái bồn to hay nhỏ, nông hay sâu tùy cây lớn hay bé, tùy sức giữ nước của đất để mỗi lần tưới đầy bồn thì nước tự ngấm xuống và căn nhịp độ tưới cho mỗi tháng nắng. Hố trồng trên đất cao đào vuông vức, độ 60 cm x 60 cm x 60 cm. Bón lót như trên. Việc bón lót cần thực hiện trước khi đặt cây tối thiểu ½ tháng.
Hiện nay hệ thống tưới áp dụng trên vườn chôm chôm phổ biến là tưới phun trên tán và tưới phun dưới tán. Tưới phun dưới tán: Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 3600, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5- 1,0m (dưới dạng phun sương hay phun mù). Giữa 4 cây chôm chôm được lắp đặt 1 vòi phun. Tưới phun trên tán: Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ trên tán xuống nhờ một hệ thống ống dẫn nước và máy bơm với các vòi cố định (có thể giữa 4 cây chôm chôm có 1 vòi phun hoặc mỗi một cây chôm chôm có 1 vòi phun gắn vào giữa tán cây). Chiều cao của béc phun trên ngọn cây khoảng 30 - 50cm.
Bên cạnh đó, để làm rào chắn, nên chọn trồng một trong những loại cây như: bơ, mận (gioi), mít bạch đàn, bồ kết, phi lao, cây xà cừ, cây keo đậu, tre nứa… theo hướng thẳng góc hoặc lệch góc 300 so với hướng gió chính trong vùng, khoảng cách trồng tuỳ vào chủng loại cây và tốc độ gió, cây được trồng ít nhất trước 1 năm và cách ly với hàng cây chôm chôm đầu tiên bởi mương dẫn nước hoặc lối đi.
Để nhân giống nên chọn trồng cây con được nhân giống bằng cách ghép vì trồng cây ghép sẽ cho quả sớm 3-4 năm sau khi trồng. Cây có bộ tán rộng, thấp hơn so với cây trồng từ hạt lâu cho quả (5-6 năm sau khi trồng), cây không đồng đều. Trồng vào đầu mùa mưa để tận dụng nước mưa, giảm chi phí tưới. Nếu chủ động việc tưới nước (có hệ thống tưới cố định) có thể trồng quanh năm.
Trong quá trình chăm sóc cây, thời kỳ chăm sóc hoa để chuẩn bị cho đậu trái rất là quan trọng. Do đó khi phát hoa chôm chôm vừa nhú cần bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ cho cây. Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch trái 100 - 120 ngày, khi trái chín có độ Brix từ 17 - 21% tuỳ theo giống. Thu hoạch sớm chất lượng sẽ giảm nhưng thu hoạch muộn trái có đời sống sau thu hoạch ngắn. Có thể áp dụng bảng màu so sánh thu hoạch tuỳ theo yêu cầu từng thị trường. Không nên thu trái quá chín vì màu vỏ sẽ sậm đi, thịt trái bị đục, hương vị kém, dễ bị côn trùng tấn công. Nên thu trái nhiều đợt để trái có màu sắc tốt. Tránh để trái bị xây xát, tiếp xúc với đất, phân loại sớm sẽ có lợi cho chất lượng trái sau thu hoạch. Bên cạnh đó cũng cần chú ý phòng trừ sâu, bệnh như: Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis), Rệp sáp (Planococcus sp.), Sâu ăn bông (Thalasodes sp.), Bệnh phấn trắng (Oidium sp.), Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides), Bệnh cháy lá (do nhiều loại nấm Pestalotia, Phomopsis ...), Bệnh thối trái (do nấm Phomopsis sp., Dothiorella spp.), Bệnh đốm rong (Cephaleuros virescens).
Bệnh cháy lá ở chôm chôm
Mô hình trên hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chôm chôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu nhà vườn thực hiện mô hình đăng ký đánh giá chứng nhận VietGAP và có được giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ có giá bán tốt hơn và thị trường tiêu thụ rộng mở hơn so với chôm chôm sản xuất đại trà. Ngoài giá bán tốt hơn, năng suất tăng 15-20% và chất lượng trái ở mô hình cũng sẽ cao hơn so với các vườn sản xuất thông thường do đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-25% cho người sản xuất.
Chủ đề Mô hình trồng trọt, với 23 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăm sóc và trồng các giống cây.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.