(028)3.825.8857

Quy trình nhân giống lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật

29-08-2022

Hồ Điệp là loài cây đơn thân với thân ngắn, lá to, dày, lá mọc cách, các lá mọc sát vào nhau. Hồ điệp trổ hoa dạng phát hoa, hoa nở lần lượt từ gốc đến ngọn, hai cánh hoa cạnh tròn, cánh hoa sau khác cánh hoa kia gọi là môi (labelle). Lan Hồ điệp có màu sắc rất đa dạng như trắng, hồng, đỏ, vàng, tím đến các loại Hồ điệp có sọc nằm ngang hoặc thẳng đứng, hoặc có đốm to hay nhỏ... Đây là loài hoa lâu tàn vì chúng không thụ phấn được trong thiên nhiên. Chính vì điều này mà nhu cầu trang trí bằng hoa lan Hồ điệp đang được thịnh hành, nhưng tình hình sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Khó khăn trong nhân giống vô tính Hồ điệp (Phalaenopsis) và Hồ điệp lai (Doritaenopsis) là nguồn mẫu hạn chế do chúng là cây đơn thân. Việc sử dụng chồi sinh dưỡng để nuôi cấy như các loài lan khác sẽ làm tổn thương cây mẹ. Phương pháp nhân giống lan Hồ điệp từ mầm ngủ phát hoa được áp dụng phổ biến, phương pháp này không làm tổn thương cây mẹ mà vẫn tạo ra được nguồn cây con sạch bệnh và đồng nhất về mặt di truyền.

Nhân giống in vitro hay nuôi cấy mô đều là thuật ngữ mô tả các phương thức nuôi cấy các bộ phận thực vật trong ống nghiệm có chứa môi trường xác định ở điều kiện vô trùng. Môi trường có các chất dinh dưỡng thích hợp như muối khoáng, vitamin, các hormone tăng trưởng và đường. Kỹ thuật nuôi cấy mô cho phép tái sinh chồi hoặc cơ quan từ các mô như lá, thân, hoa hoặc rễ.

 Để triển khai mô hình hiệu quả, việc đầu tiên cần thực hiện tốt việc chọn nguồn giống. Chọn các cây mẹ không bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển khỏe, hoa đẹp, siêng hoa, phát hoa dài. Phát hoa Hồ điệp được chọn khi nụ hoa đầu tiên nở, cắt lấy phần phát hoa có chứa chồi ngủ, cắt khúc đốt khoảng 5 - 6 cm có chứa chồi ngủ. Vị trí mầm ngủ của phát hoa Hồ điệp được đánh số thứ tự từ vị trí hoa nở đầu tiên đến gốc phát hoa.

Qui trình nhân giống cây lan Hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật

Qui trình nhân giống cây lan Hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô

Giai đoạn vô mẫu (2 - 3 tháng): Phát hoa Hồ điệp được cắt khúc với chiều dài 5 – 6 cm bao gồm chồi ngủ. Cho mẫu phát hoa vừa cắt vào erlen và lắc đều với xà phòng đã được pha loãng trong 30 phút, rửa sạch xà phòng bằng nước. Đưa mẫu vào tủ cấy vô trùng, chuyển mẫu vào erlen có chứa cồn 70o, lắc đều mẫu trong 1 phút, rửa lại 3 lần bằng nước cất vô trùng. Khử trùng mẫu theo tỷ lệ Javel: nước = 1:1. Bổ sung 2 giọt Tween 20 nhằm nâng cao hiệu quả khử trùng, lắc đều mẫu. Sau đó rửa mẫu bằng nước cất vô trùng 5 - 6 lần, cắt bỏ hai đầu của khúc cắt mẫu khoảng 0,5 cm (loại bỏ phần mẫu bị tổn thương). Cấy mẫu vào môi trường MS có bổ sung 20 g/l sucrose và 8 g/l agar.

Giai đoạn xử lý hóa nâu đốt phát hoa Hồ điệp bằng acid ascorbic (2 tháng): Để ngăn chặn quá trình hóa nâu mẫu khi nuôi cấy đốt phát hoa hồ điệp nên sử dụng acid ascorbic như một chất chống oxi hóa các hợp chất phenol do cây tiết ra khi bị tổn thương. Đối với việc nuôi cấy đốt phát hoa của Lan hồ điệp thì môi trường thích hợp hạn chế sự hóa nâu và tỉ lệ mẫu chết thấp do hóa nâu là môi trường MS bổ sung acid ascorbic 75 mg/l.

Mẫu phát hoa Hồ điệp dùng làm vật liệu nuôi cấy

Giai đoạn tạo PLBs trực tiếp từ đốt phát hoa Hồ điệp (2-3 tháng): Đốt phát hoa sau khi xử lý hóa nâu, chọn vị trí đốt phát hoa Hồ điệp thứ 3 được đánh số thứ tự từ vị trí hoa nở đầu tiên đến gốc phát hoa, các đốt phát hoa này được cắt ngang mầm ngủ bằng cách cắt ngang chồi non, sau đó được nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung BA 3 mg/l ở điều kiện phòng nuôi cây có nhiệt độ 27 ± 2oC, ánh sáng khuyếch tán từ các kệ nuôi lân cận (6,75 µmol/m2/s), ẩm độ là 60 ± 5%. Sau 2 -3 tháng nuôi cấy, các PLBs được tạo thành phục vụ làm nguồn vật liệu cho mục đích nhân nhanh, tái sinh chồi.

Hình 2: Tạo PLBs từ chồi ngủ phát hoa Hồ điệp

Giai đoạn nhân nhanh PLBs, tái sinh chồi từ PLBs (2-3 tháng): PLBs được nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung BA 1 mg/l để tái sinh chồi. Điều kiện nuôi cấy phòng nuôi cây có nhiệt độ là 27 ± 2oC, cường độ ánh sáng 27 µmol/m2/s, ẩm độ là 60 ± 5%. Sau 3 tháng nuôi cấy, chồi thu được dùng làm vật liệu cho quá trình tạo rễ.

PLBs (a) và chồi lan Hồ điệp (b)

Giai đoạn tăng trưởng cây (3-5 tháng): Chồi cao khoảng 2 – 2,5 cm nuôi cấy trên môi trường 3 g/l Hyponex 7-6-19 bổ sung 5% nước dừa, 30 g/l chuối; 30 g/l khoai tây, 20 g/l đường 8 g/l agar và 0,5 g/l than hoạt tính. Điều kiện nuôi cấy phòng nuôi cây có nhiệt độ là 27 ± 2oC, cường độ ánh sáng 27 µmol/m2/s, ẩm độ là 60 ± 5%. Sau 3 tháng nuôi cấy thu được cây lan Hồ điệp in vitro hoàn chỉnh.

Cây Hồ điệp cấy mô hoàn chỉnh

Áp dụng mô hình nhân giống lan Hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tạo ra số lượng lớn cây giống, đồng nhất, sạch bệnh, đáp ứng được nhu cầu cây giống của thị trường, có khả năng cạnh tranh cao. So với phương pháp nhân giống lan Hồ điệp truyền thống: ươm keki, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật tạo ra số lượng lớn cây giống, hệ số nhân cao, chất lượng đồng nhất, sạch bệnh so với phương pháp nhân giống truyền thống có hệ số nhân giống thấp, cây giống không đồng đều, không đủ cây giống trồng ở quy mô lớn.

Quy trình nhân giống lan Hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho các nhà sản xuất và nuôi trồng lan. Hoàn thiện và phát triển các biện pháp nhân giống để duy trì giống gốc và nhân nhanh về mặt số lượng, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen. Việc phát triển các mô hình trồng lan Hồ điệp còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường góp phần thúc đẩy ngành du lịch sinh thái phát triển.

Chủ đề Mô hình trồng trọt, với 23 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăm sóc và trồng các giống cây.

Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.