Qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn nhãn
26-08-2022Nhãn là loại cây trồng chủ lực ở nước ta và đã được cấp phép nhập khẩu vào các thị trường quốc tế. Đây là loại cây dễ trồng, ăn ngon và giá trị kinh tế. Nhãn được trồng ở các tỉnh thành trong cả nước.
Nhãn là cây trồng cả ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiệt độ tối ưu cho cây nhãn ra hoa và đậu quả là 20-250C. Vào thời kỳ ra hoa nhiệt độ thích hợp nhất là 15-220C, trên 400C trái sẽ bị rụng. Lượng mưa tối thiểu khoảng 1.200-1.500 mm/năm. Nhãn là cây chịu hạn khá tốt, nhưng nếu thực hiện việc tưới tiêu đầy đủ sẽ cho năng suất cao hơn và dễ làm trái hơn. Nhãn ưa đất cát pha, đất thịt và đất xám. Để khắc phục đất thấp, đất sét, chân đất cần sâu và thoát nước tốt. Độ pH thích hợp 5,5 - 6,5. Tại Cần giờ nhãn được trồng ở trên đất cát ven biển. Nhãn chịu úng kém nên cần phải làm mương thoát nước. Địa điểm thực hiện mô hình phải có điện để vận hành hệ thống tưới phun mưa. Nhãn không cần nhiều công lao động và nước tưới như các cây trồng khác. Lao động đơn giản chỉ cần 60 công/ha/năm.
Các giống nhãn được trồng phổ biến ở phía Nam là: nhãn xuồng (xuồng cơm vàng, xuồng cơm ráo), nhãn tiêu, nhãn long, nhãn Idor (Edor). Qui trình trồng và chăm sóc cây nhãn được áp dụng cho tất cả các giống nhãn, tuy nhiên liều lượng phân bón và thời điểm bón sẽ thay đổi tùy thuộc vào giống, độ tuổi, dinh dưỡng của cây và dinh dưỡng đất trồng, mức độ đầu tư thâm canh của nhà vườn.
Các biện pháp kỹ thuật được trình bày cụ thể trong qui trình từ khâu chọn giống, thiết kế vườn trồng, đào hố, bón phân, trồng và chăm sóc, xử lý ra hoa, phòng trừ sâu bệnh hại đều được trình bày đầy đủ, chi tiết, dễ hiểu và dễ áp dụng đối với điều kiện đất đai, khí hậu và tập quán canh tác của người dân ở huyện Cần Giờ và các huyện có điều kiện tương tự ở TP Hồ Chí Minh.
Để triển khai mô hình, đầu tiên cần chuẩn bị đất trồng, cây giống nhãn tốt, phân hữu cơ hoai mục đã qua xử lý (phân bò, gà, dê,..), phân vi sinh hữu cơ, phân vô cơ (NPK, DAP), vôi, thuốc xử lý đất, máy móc làm đất, đào hố, làm mương, công lao động và một số dụng cụ lao động đơn giản (cuốc, xe rùa, đồ bảo hộ lao động (ủng, găng tay, kính, quần áo, mũ/nón), kéo cắt cành, dao, thước,...).
Đối với cây giống, có thể chọn các giống trồng phổ biến ở miền Đông Nam bộ như: giống nhãn xuồng, nhãn Idor (Edor) hoặc nhãn tiêu da bò. Cần chọn những cây có thân cây thẳng, vững chắc. Chiều cao cây giống từ 60cm trở lên (đối với cây chiết). Đường kính cành giống từ 1-1,2cm (đo cách vết ghép khoảng 2cm về phía trên đối với cây ghép), từ 0,8cm trở lên (đo cách mặt giá thể bầu ươm 10cm đối với cây chiết). Có hơn 2 cành đối với cây chiết. Có 1-2 đợt lộc mới sinh ra sau chiết. Số lá trên thân chính hiện diện đầy đủ từ vị trí chiều cao cây đến ngọn. Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng đặc trưng của giống. Nhãn có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nước tưới. Thường bắt đầu trồng khi mùa mưa ổn định từ tháng 6-7 hàng năm.
Đối với vườn trồng, nếu vườn có quy mô lớn trên 3 ha, nên thiết kế lô trồng theo kiểu bàn cờ có các trục đường chính và hệ thống đường lô. Trong vườn phải thiết kế mương thoát nước. Đối với vùng đất thấp cần phải lên mô trước khi trồng, mô cao hơn mặt đất từ 50-60cm.
Hiện nay hệ thống tưới áp dụng trên vườn nhãn phổ biến là tưới phun trên tán và dưới tán. Tưới phun bằng hệ thống tưới giúp điều hoà không khí cho vườn nhãn khắc phục được hiện tượng thời tiết không thuận lợi (nắng nóng, độ ẩm không khí thấp); tiết kiệm được lượng nước tưới và công lao động. Khi cây còn nhỏ cứ 1 cây lắp 1 péc tưới để tránh lãng phí nước. Khi cây lớn thì cứ 4 cây thì lắp đặt 1 péc phun. Nhãn là cây chịu hạn tốt, tuy nhiên muốn có năng suất cao cần phải tưới nước. Cây còn nhỏ vào mùa khô tưới 2-3 ngày/lần.
Khoảng cách trồng phụ thuộc vào tính chất của đất, đất giàu dinh dưỡng thì trồng thưa, ngược lại đất nghèo dinh dưỡng thì trồng dày hơn. Cây nhãn ở miền Đông Nam bộ thường trồng với khoảng cách 5 x 5m, 5x 6m, 6 x 6m, 6 x 8 m tương đương với 208-400 cây/ha. Khi trồng dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây xuống giữa mô và mặt bầu bằng với mặt mô, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và lấp đất lại nén đất xung quanh, cắm cọc giữ chặt cây con. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô đậy kín mô. Tưới nước giữ ẩm cho cây mỗi ngày một lần nếu nắng khô, nếu có mưa thì ngừng tưới.
Vào mùa nắng cần phải phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô, độ dày tối thiểu là 5 cm. Tủ cách gốc 20-30cm. Bên cạnh đó cũng cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây, thông thường làm 4-5 đợt/ năm kết hợp mỗi lần bón phân. Có thể trồng xen một số loại cây khác trong vườn nhãn để lấy ngắn nuôi dài. Liều lượng phân bón cho nhãn cần căn cứ vào độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, giống và độ màu mỡ của đất. Đối với cây ăn trái như cây nhãn, việc cắt tỉa cành tạo tán là việc làm có ý nghĩa quyết định đến năng suất trái trên cây và cần phải được thực hiện ngay từ khi trồng chứ không đợi đến 2-3 năm sau mới làm.
Cây đến giai đoạn ra hoa nên chủ động xử lý ra hoa để làm cho cây ra hoa tập trung hơn, làm cây ra trái trái vụ để có giá bán tốt hơn. Biện pháp xử lý ra hoa tùy thuộc vào điều kiện canh tác nơi trồng, giống trồng. Ở các vùng chủ động được nước tưới tiêu sẽ dễ hơn. Vườn cần được trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh (sâu hại, sâu đục gân lá, sâu đục trái, sâu ăn bông, rệp sáp...) và phun các chế phẩm chống rụng quả non. Việc tỉa trái giúp gia tăng kích thước, trái to, giảm hiện tượng ra trái cách năm, chùm trái sẽ có trái đồng đều về độ lớn. Tiến hành tỉa trái khi trái có kích thước cỡ hạt đậu nành. Tỉa những trái bị sâu bệnh, trái dị hình, trái ở đầu ngọn của chùm. Dùng lưới chuyên dùng để bao phần tán cây phòng sự gây hại của dơi là chính. Thời điểm thực hiện từ khi trái có đường kính 1cm. Thời gian thu hoạch nhãn phụ thuộc vào giống, nhãn xuồng: 84-86 ngày, nhãn idor: 130-135 ngày. Trái không chín tiếp sau khi thu hoạch. Do đó cần phải xác định đúng độ chín mới thu hoạch. Trái khi chín có da láng, màu sậm, thịt đặc, hột đen, vị ngọt, hương vị thơm đặc trưng. Nên thu hoạch vào sáng sớm, không thu vào lúc trời mưa vì trái dễ bị hư do nấm bệnh. Cắt nguyên chùm trái bỏ bớt lá và cho vào sọt có lót lá.
Trong điều kiện thường nhãn (25-300C) có thời gian bảo quản ngắn 3-4 ngày là vỏ đã đổi màu. Bảo quản ở nhiệt độ 180C, ẩm độ môi trường không khí 90-95% sẽ giữ được màu sắc và độ tươi của quả nhãn lâu hơn. Dùng bao ni lon có 15-20 lỗ nhỏ/ dm2 để bảo quản nhãn sẽ hạn chế được cường độ hô hấp của quả tươi và bảo quản quả nhãn kéo dài hơn 2-4 ngày so với cách bảo quản thông thường.
Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong mô hình sản xuất trái nhãn an toàn sẽ đem đến nhiều lợi thế so với sản xuất truyền thống. Công nghệ kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn trong mô hình có thể áp dụng để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện nay với việc biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, nhà vườn cần phải có các biện pháp để phòng ngừa rủi do trong sản xuất đặc biệt là các thời điểm nhạy cảm của cây nhãn như giai đoạn xử lý ra hoa, ra hoa, đậu trái, thu hoạch như nắng nóng, mưa nhiều, ngập úng, gió bão.
Chủ đề Mô hình trồng trọt, với 23 chuyên đề, do các chuyên gia chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chăm sóc và trồng các giống cây.
Chi tiết truy cập: https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn, đây cũng là địa chỉ giới thiệu các chủ đề phổ biến kiến thức trực tuyến và trực tiếp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức đồng thời là địa chỉ ghi nhận, tổng hợp các nhu cầu bổ sung kiến thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin chi tiết liên hệ: 028.3825.8857 – truyenthong@cesti.gov.vn.