Tổng quan các chủ đề

    ** Anh/chị đã xem video nào vui lòng đánh dấu vào mục “Đã xem” để hệ thống có thể giới thiệu các nội dung phù hợp với anh/chị
  • 1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc ổi lê Đài Loan

    Cây ổi cũng như các loại cây ăn quả khác được các nhà khoa học nghiên cứu về kỹ thuật phát triển và tập trung vào các yếu tố: kỹ thuật về giống (chọn, nhân, lai tạo giống); kỹ thuật canh tác; phòng trừ sâu bệnh, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, kỹ thuật ghép cải tạo, thay thế giốngTài liệu này hướng dẫn xây dựng mô hình trồng và chăm sóc cây ổi Lê Đài Loan, là một giống ổi mới được trồng ở nước ta trong vài năm gần đây. Công nghệ kỹ thuật trồng và chăm sóc ổi Lê Đài loan trong mô hình áp dụng cho cây ổi Lê Đài Loan được trồng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự. Nhà vườn có thể áp dụng để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc áp dụng các biện pháp trong mô hình sẽ nâng cao được năng suất từ 10-20% và tăng chất lượng trái. Do đó, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% cho người sản xuất. Nếu nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt được giấy chứng nhận VietGAP thì sẽ có giá bán cao hơn và có khả năng tiêu thụ tốt hơn, nâng cao thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. 


  • 2. Kỹ thuật trồng, chăm sóc chôm chôm và quản lý vườn phục vụ khách du lịch

    Chôm chôm là cây thân mộc to, lá xanh quanh năm, có thể cao tới 25m, đường kính gốc tới 60cm. Tuy nhiên, trong trồng trọt bằng cây ghép thường kích thước nhỏ hơn, chỉ cao 8-10 m. Các vùng đồng bằng châu Á nhiệt đới là nơi phù hợp cho việc trồng và phát triển cây chôm chôm. Mô hình trên hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chôm chôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu nhà vườn thực hiện mô hình đăng ký đánh giá chứng nhận VietGAP và có được giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ có giá bán tốt hơn và thị trường tiêu thụ rộng mở hơn so với chôm chôm sản xuất đại trà. Ngoài giá bán tốt hơn, năng suất tăng 15-20% và chất lượng trái ở mô hình cũng sẽ cao hơn so với các vườn sản xuất thông thường do đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-25% cho người sản xuất.


  • 3. Quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm bào ngư

    Nấm Bào Ngư được khuyến khích trồng nhiều ở các nước đang phát triển nhằm tạo nguồn thực phẩm bổ sung, đồng thời giải quyết các phế liệu nông lâm nghiệp để tránh ô nhiễm, làm giàu chất hữu cơ cho đất. Trong mô hình này, nấm Bào Ngư sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn đối với người sản xuất và người sử dụng. Công nghệ áp dụng trong mô hình là công nghệ sản xuất bán tự động, ít tốn nhân công và sử dụng lò hấp bằng điện năng thay vì củi góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường so với sản xuất thủ công truyền thống


  • 4. Kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn nhãn

    Nhãn là loại cây trồng chủ lực ở nước ta và đã được cấp phép nhập khẩu vào các thị trường quốc tế. Đây là loại cây dễ trồng, ăn ngon và giá trị kinh tế. Nhãn được trồng ở các tỉnh thành trong cả nước. Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong mô hình sản xuất trái nhãn an toàn sẽ đem đến nhiều lợi thế so với sản xuất truyền thống. Công nghệ kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn trong mô hình có thể áp dụng để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện nay với việc biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, nhà vườn cần phải có các biện pháp để phòng ngừa rủi do trong sản xuất đặc biệt là các thời điểm nhạy cảm của cây nhãn như giai đoạn xử lý ra hoa, ra hoa, đậu trái, thu hoạch như nắng nóng, mưa nhiều, ngập úng, gió bão.


  • 5. Quy trình nhân giống lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật

    Áp dụng mô hình nhân giống lan Hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tạo ra số lượng lớn cây giống, đồng nhất, sạch bệnh, đáp ứng được nhu cầu cây giống của thị trường, có khả năng cạnh tranh cao. So với phương pháp nhân giống lan Hồ điệp truyền thống: ươm keki, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật tạo ra số lượng lớn cây giống, hệ số nhân cao, chất lượng đồng nhất, sạch bệnh so với phương pháp nhân giống truyền thống có hệ số nhân giống thấp, cây giống không đồng đều, không đủ cây giống trồng ở quy mô lớn. Quy trình nhân giống lan Hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho các nhà sản xuất và nuôi trồng lan. Hoàn thiện và phát triển các biện pháp nhân giống để duy trì giống gốc và nhân nhanh về mặt số lượng, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen. Việc phát triển các mô hình trồng lan Hồ điệp còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường góp phần thúc đẩy ngành du lịch sinh thái phát triển.


  • 6. Kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh

    Bưởi là một loại cây ăn quả chủ lực, được định hướng phát triển. Trong đó, bưởi Da xanh là giống ăn tươi, được ưa chuộng nhất, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tiềm năng thị trường tiêu thụ bưởi Da xanh được dự báo là rất lớn. Những cơ sở sản xuất có thương hiệu hoặc đạt các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt cho thị trường cao cấp và xuất khẩu.


  • 7. Quy trình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ 4.0

    Nhiều giống dưa lưới khác nhau đã được trồng trên giá thể tại TP.HCM (và Việt Nam), chủ yếu được tưới thủ công hoặc bán tự động, với hệ thống châm phân qua Vantury. Một vài đơn vị đã đầu tư hệ thống tưới hiện đại như Netajet và FertiMax-Go. Mô hình trồng dưa lưới 4.0 với hệ thống tưới bón tự động, điều khiển từ xa qua smartphone được sản xuất trong nước. Đây là quy trình mới đưa vào sử dụng cho canh tác dưa lưới trong nhà màng. Ứng dụng hệ thống điều khiển thông minh, vận hành từ xa công việc tưới phân tự động qua smartphone, giúp cây dưa lưới phát triển đồng đều và cho năng suất ổn định, chất lượng đảm bảo.


  • 8. Kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa MD2

    MD2 là loại dứa đang được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp để ăn tươi hoặc chế biến công nghiệp. Sản phẩm sản xuất ra có khả năng cạnh tranh so với các loại dứa Queen và Cayenne đang được sản xuất đại trà hiện nay. Việc áp dụng các biện pháp trong mô hình giúp nâng cao năng suất từ 10-20% và tăng chất lượng trái. Hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% khi so sánh với vườn dứa cùng loại MD2 nhưng không áp dụng đồng bộ các kỹ thuật này.


  • 9. Quy trình tạo stroma nhộng trùng thảo

    Nguyên liệu sử dụng trong nghiên cứu là chủng nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) thuộc bộ sưu tập chủng giống vi sinh vật của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao. Với vội dung nghiên cứu gồm khảo sát nguồn nguyên liệu thay thế cho nhộng tằm và xác định khối lượng nguyên liệu thay thế thích hợp, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nuôi cấy nguyên liệu trong 3 môi trường: môi trường đối chứng (gạo lức, nhộng tằm tươi và dung dịch dinh dưỡng); môi trường thí nghiệm (gạo, nguyên liệu thay thế X và dung dịch dinh dưỡng) và môi trường PDB (khoai tây và dextrose). Kết quả đã chọn được nguyên liệu thay thế thích hợp cho việc nuôi trồng là 0,3017 g/bình yeast extract kết hợp với 4,4653 g/bình lòng đỏ trứng gà. Năng suất stroma thu được khi sử dụng nguyên liệu thay thế là 17,98 g/bình, trọng lượng khô là 2,69 g/bình, hàm lượng cordycepin là 6,7041 mg/g và hàm lượng adenosine là 4,5059 mg/g.


  • 10. Quy trình kỹ thuật trồng ớt cay (Capsicum frustescens l.) trên giá thể trong nhà màng tưới nhỏ giọt

    Lợi nhuận đem lại khi trồng ớt cay trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt dao động từ 28 – 30 triệu đồng/vụ/1.000 m2 (tương đương 500 - 600 triệu đồng/ha/năm); Giá cả và đầu ra ổn định. Quy trình áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, giúp cho người sản xuất tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến; ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên giảm lượng thuốc BVTV, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích; hệ thống tưới nhỏ giọt: Phân bón được cung cấp theo hệ thống tưới giúp cây trồng dễ hấp thu. Tăng hiệu quả sử dụng phân bón; tạo sản phẩm đạt an toàn, có độ tin cậy cao đối với người tiêu dùng, tăng khả năng thâm nhập thị trường và tăng hiệu quả cạnh tranh.


  • 11. Kỹ thuật trồng, chăm sóc măng cụt và quản lý vườn phục vụ khách du lịch

    Mô hình này áp dụng cho cây măng cụt được trồng ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong tài liệu mô hình trồng và chăm sóc cây nhãn đã cho cây măng cụt sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và chất lượng nhãn cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn từ 15-20%.Tài liệu mô hình này có thể áp dụng để sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn như VietGAP.


  • 12. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoài và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch

    Xoài được trồng khá phổ biến ở nước ta, tuy nhiên năng suất chưa cao, mức độ sâu bệnh gây hại ngày càng nghiêm trọng,… Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trái, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho loại cây trồng này.


  • 13. Quy trình nhân giống lan dendrobium nắng (ceasar red) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật

    Thị trường xuất khẩu hoa lan trên thế giới ngày càng mở rộng, sản xuất lan đã đem lại lợi nhuận rất cao cho các nước đang phát triển và phát triển. Việt Nam với điều kiện khí hậu khá thuận lợi, người trồng lan ngày càng có kinh nghiệm hơn nên hoàn toàn có thể phát triển các giống lan thuộc chi Cattleya , Oncidium và Dendrobium. Áp dụng theo mô hình này giúp chủ động nguồn hoa cung cấp cho thị trường; sản phẩm đảm bảo chất yêu cầu về tính đồng đều và chất lượng; hiệu quả kinh tế đạt 45-50 triệu đồng/1000m2/năm.


  • 14. Quy trình kỹ thuật sản xuất cây hương thảo trồng chậu ứng dụng công nghệ cao

    Cây hương thảo dùng làm kiểng, có giá trị cao trong y học cổ truyền. Khi trồng, cây tỏa ra mùi hương thơm ngát, dễ chịu, có thể khuếch tán trong phòng, giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa căng thẳng. Cây hương thảo trồng chậu trong nhà màng hạn chế được các loại sâu bệnh hại và không bị úng nước do trời mưa, vì vậy mô hình sản xuất này cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với các phương pháp truyền thống


  • 15. Kỹ thuật trồng dưa leo trên giá thể

    Mô hình sản xuất dưa leo trên giá thể trong điều kiện nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với sản xuất truyền thống: do ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu nên có thể sản xuất nhiều vụ trong năm. Chủ động kiểm soát các yếu tố đầu vào như phân bón, nước, thuốc bảo vệ thực vật nên nâng cao được hiệu quả sản xuất. Lợi nhuận đem lại khi trồng dưa leo trên giá thể áp dụng tưới nhỏ giọt trồng trong nhà màng đạt khoảng 15-20 triệu đồng/1.000m2/vụ (tương đương 450-60 triệu đồng/ha/năm). Sản phẩm có giá cả và đầu ra ổn định.


  • 16. Quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi (solanum lycopersicum l.)

    Quy trình được sản xuất trong nhà màng, do đó ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên giảm lượng thuốc BVTV, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích, giảm ô nhiễm môi trường. Phân bón được cung cấp theo hệ thống tưới giúp cây trồng dễ hấp thu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Tạo sản phẩm đạt an toàn, có độ tin cậy cao đối với người tiêu dùng, tăng khả năng thâm nhập thị trường và tăng hiệu quả cạnh tranh. Lợi nhuận đem lại khi trồng cà chua bi trên giá thể, áp dụng tưới nhỏ giọt, trồng trong nhà màng khoảng 40-50 triệu đồng/1.000 m2/vụ (tương đương 600-700 triệu đồng/ha/năm). Giá cả và đầu ra ổn định. Mô hình bước đầu cho thấy có hiệu quả rõ rệt nên khả năng nhân rộng rất lớn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu sản phẩm rau an toàn ngày càng cao. Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu thì đây là mô hình rất phù hợp.


  • 17. Công nghệ xử lý, đóng gói và bảo quản trái cây sau thu hoạch bằng công nghệ xử lý hơi nước nóng

    Công nghệ xử lý hơi nước nóng (Vapor Heat Treatment System) là công nghệ mới, có hiệu quả rất cao, đặc biệt trên trái cây để tiêu diệt trứng và ấu trùng của ruồi đục quả và các công trùng gây hại bám trên vỏ ngoài, mà không gây ảnh hưởng đến độ tươi ngon của trái cây. Công nghệ này giúp xử lý cả một số loại sâu bệnh, nấm bệnh gây hại trên trái cây sau thu hoạch, giúp tăng giá trị cảm quan (màu sắc, mùi, độ cứng), giảm tỷ lệ thoát hơi nước, sản sinh ethylene nội sinh, cường độ hô hấp… từ đó kéo dài được thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, giữ được chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.  Xử lý hơi nước nóng không làm ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị của trái cây, gia tăng thời gian bảo quản, giữ được giá trị dinh dưỡng, độ cứng của trái câyđảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, gia tăng giá trị kinh tế của thanh long và xoài lên 2-3 lần.


  • 18. Quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến nấm rơm, nấm bào ngư

    Mô hình giúp gia tăng thời gian bảo quản nấm, hạn chế được tỷ lệ nấm hư hỏng, tạo được nguồn sản phẩm nấm muối và nấm sấy khô đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng tốt yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Áp dụng được tại các hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ trở lên, thiết bị máy móc đơn giản dễ thực hiện, có thể nhân rộng ra nhiều nơi trên cả nước, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, không bị ép giá khi được mùa. Sản phẩm từ nấm bảo quản được lâu, giữ được chất lượng dinh dưỡng cao làm tăng giá trị kinh tế của nấm từ 2-3 lần.


  • 19. Quy trình sản xuất rau ăn lá thủy canh theo hướng hữu cơ

    Quy trình sản xuất rau ăn lá thủy canh theo hướng hữu cơ, sử dụng kỹ thuật làm lạnh nước cho một số loại rau ôn đới giá trị cao, có hệ thống điều khiển tưới, bón tự động từ xa qua smartphone là quy trình mới, giúp trồng được các loại rau ôn đới ở vùng khí hậu nhiệt đới như TP.HCM, với chi phí thấp, dễ triển khai nhân rộng, tạo được sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng.


  • 20. Quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm linh chi

    Nấm Linh chi được sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn và không gây bệnh cho người sử dụng. Quy trình nuôi trồng bán tự động, tiết kiệm nhân công hơn so với cách làm thủ công truyền thống. Công đoạn hấp khử trùng sử dụng điện năng, không hấp bằng củi nên giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường.


  • 21. Quy trình kỹ thuật chăm sóc lan mokara giai đoạn hậu cấy mô

    Áp dụng cho tất cả các vùng trồng lan Mokara trên  địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh khác có điều kiện tự nhiên tương tự. Lợi nhuận đem lại khi trồng lan Mokara giai đoạn hậu cấy mô trung bình khoảng 50.000 triệu đồng/năm/300 m2 . Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giảm gây ô nhiễm môi trường. Tận dụng được các phế phẩm trong nông nghiệp như mụn dừa, vỏ dừa, vỏ đậu phộng,....


  • 22. Quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói và bảo quản dưa lưới sau thu hoạch

    Công nghệ xử lý dưa lưới cận thu hoạch, đóng gói và bảo quản với các thông số công nghệ hoàn thiện, ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao. Vốn đầu tư ban đầu cho mô hình không lớn nên phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã,…có thể áp dụng cho các địa phương tại các tỉnh phía Nam, Đồng bằng sông Cửu long, Đông Nam bộ. Giải pháp công nghệ này cho phép gia tăng thời gian bảo quản của dưa lưới lên gấp 1,5-2 lần so với bảo quản bằng các phương pháp thông thường;  tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch giảm xuống dưới 2%, tỷ lệ sản phẩm trái dưa lưới loại 1 đạt trên 80%, phục vụ tốt cho việc xuất khẩu, giúp gia tăng giá trị của dưa lưới, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, gia tăng thu nhập cho người trồng, người kinh doanh.


  • 23. Quy trình thu hoạch, xử lý, đóng gói và bảo quản một số loại hoa cắt cành (hoa lyly, hoa hồng…)

    Hiện nay tất cả các biện pháp bảo quản hoa đều hướng tới mục tiêu đảm bảo và duy trì chất lượng sau thu hoạch bằng cách ngăn cản sự phát triển của vi sinh vật, giảm cường độ hô hấp, hạn chế tổn thương cơ giới và sự bốc hơi nước của hoa. Tuy nhiên, ở mỗi công đoạn bảo quản, hoa đều có khả năng bị tác động cơ giới gây hư hỏng hoặc giảm chất lượng. Vì vậy, mô hình thu hoạch, xử lý, đóng gói và bảo quản một số loại hoa cắt cành dưới đây sẽ cung cấp các biện pháp hạn chế tác động đến hoa ở mức thấp nhất, đảm bảo chất lượng hoa khi đến tay người tiêu dùng.


Ghi danh (Người xem)